Hiện trường vụ trọng án do tranh chấp đất nương tại xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà (Điện Biên) xảy ra vào ngày 11/2. Ảnh: CTV |
Điều đáng nói là hung thủ sát hại cả ba người không ai khác lại là hàng xóm của họ có tên là Sùng A Thò, 31 tuổi. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do tranh chấp đất nương giữa hai gia đình.
Đây chỉ là một trong số những vụ trọng án xảy ra ở khu vực Tây Bắc có nguyên nhân liên quan đến tranh chấp đất sản xuất, nương rẫy. Hẳn nhiều người còn nhớ vụ án nghiêm trọng xảy ra chiều 12/8/2015 tại thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Yên Bái). Kẻ thủ ác là Đặng Văn Hùng đã xuống tay sát hại 4 nạn nhân cùng trong một gia đình, gồm: Anh Trần Văn Long (SN 1983), chị Phàn Thị Hoa (SN 1995, vợ anh Long), chị Phan Thị Hà (SN 2000, em gái chị Hoa) và cháu Phàn Văn Tuyền (SN 2013, con trai của anh Long, chị Hoa), đều ở xã Lâm Giang. Nguyên nhân của vụ trọng án này cũng bắt nguồn từ việc tranh chấp đất sản xuất.
Những năm gần đây, trên cả nước thường xảy ra các vụ trọng án, hung thủ thường ra tay sát hại nhiều người; trong đó, những vụ trọng án có nguyên nhân từ việc tranh chấp đất sản xuất ở các tỉnh vùng Tây Bắc không phải ngoại lệ. Song nguyên nhân sâu xa là một bộ phận dân cư sinh sống ở vùng điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội khó khăn, đất đai để ở và sản xuất thiếu nên thường nảy sinh mâu thuẫn. Bên cạnh đó, một phần còn do trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu nên người dân khi phát sinh mâu thuẫn thường rơi vào cảnh quẫn trí, dễ bị kích động làm liều.
Theo đồng chí Hoàng Xuân Long, Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Bắc, để hạn chế những tác động tiêu cực của việc thiếu đất ở, đất sản xuất trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Bắc, thời gian qua Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các tỉnh trong vùng đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh ở một số vùng đặc biệt khó khăn thuộc các tỉnh Tây Bắc. Đặc biệt là ở những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số có nguy cơ cao trong việc thiếu đất sản xuất để ổn định cuộc sống.
Theo Đề án đã được phê duyệt, huyện Mường Nhé phải đảm bảo ổn định, sắp sếp dân cư cho 1.667 hộ, hiện tại huyện mới thực hiện bố trí, ổn định cho 1.180 hộ. Hiện tại trên địa bàn huyện còn 352 hộ di cư tự do đến sau thời điểm 30/4/2011 không đủ điều kiện để bố trí sắp sếp ổn định. |
Cũng theo đồng chí Hoàng Xuân Long, kết quả kiểm tra tình hình sắp xếp, ổn định dân cư theo Đề án 79 và công tác bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé (Điện Biên) vào cuối tháng 11/2016 của Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho thấy: Quy hoạch theo Đề án 79 trên địa bàn huyện Mường Nhé rất manh mún, dẫn đến suất đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm bản ổn định dân cư cao.
Việc tạo sinh kế cho người dân chưa được quan tâm, người dân được chuyển đến nơi ở mới còn thiếu đất sản xuất dẫn đến phá rừng. Sau khi thực hiện Đề án 79 đưa dân về nơi đã qui hoạch mới đạt 70%, các hộ mới đến chỉ có đất ở nhưng chưa có đất sản xuất. Những nơi đã có đất sản xuất nhưng đất bạc màu, hiệu quả canh tác không cao. Còn có hiện tượng huyện bố trí đất sản xuất cho người dân chồng lấn vào diện tích đất đã trồng cao su. Nguyện vọng của người dân được bàn giao trắng (bàn giao đất không chồng lấn). Việc di chuyển dân đến các điểm ổn định dân cư, nhưng huyện chưa tổ chức thu hồi đất sản xuất tại đầu đi, dẫn đến tình trạng người di cư vẫn vào Mường Nhé. Việc quản lý nhân khẩu trên địa bàn huyện chưa chặt chẽ.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, thời gian tới các tỉnh trong vùng Tây Bắc tiếp tục kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện Đề án ổn định sản xuất và đời sống vùng đồng bào Mông huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hoá; Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên… Đồng thời rà soát lại các dự án thực hiện Quyết định 570/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để ổn định dân cư, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng dân di cư tự do. Tiếp tục tập trung thực hiện bố trí, ổn định các điểm dân cư ở vùng đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước, thiếu cơ sở hạ tầng), vùng có nguy cơ về thiên tai vùng sâu, vùng xa có nguy cơ cao về di cư tự do.
Trước mắt, để ổn định đời sống người dân vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, thiết nghĩ chính quyền các địa phương trong vùng Tây Bắc cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nêu cao tinh thần cảnh giác tránh tình trạng người dân bị kẻ xấu xúi giục. Hạn chế tình trạng dân di cư tự do, tình trạng dân xâm canh xâm cư, lấn chiếm đất rừng, đất nương rẫy.
Khi xảy ra việc tranh chấp đất đai, đất sản xuất, người dân cần bình tĩnh xử lý mâu thuẫn bằng các biện pháp hòa giải. Nếu bất đồng quan điểm, chính kiến, người dân cần tìm đến các cơ quan chức năng để được giải quyết theo pháp luật. Cấp ủy và chính quyền địa phương nêu cao vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ và người có uy tín trong cộng đồng đứng ra giải quyết những mâu thuẫn xoay quanh vấn đề tranh chấp đất đai và bất hòa trong cuộc sống. Có như vậy mới hạn chế và đi đến chấm dứt những vụ trọng án do tranh chấp đất đai xảy ra trên địa bàn các tỉnh miền núi nói riêng và cả nước nói chung.