Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, bà Đào Thu Hà - Bác sĩ trưởng khoa X quang, Bệnh viện đại học Henri-Mondor ở Créteil, Chủ tịch Hiệp hội Y học hình ảnh không biên giới (IMSF - Imagerie, Médicale Sans Frontières) cho biết, ý tưởng thành lập Liên đoàn Y tế Pháp - Việt được hình thành trong năm giao thoa Pháp - Việt 2014, nhằm tập hợp các hiệp hội và cá nhân trong ngành y, có tình cảm và mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.
Với mục tiêu tối ưu hóa các hoạt động của các hội đoàn này tại Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong các hành động, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin chuyên ngành, cũng như triển khai các dự án hợp tác giữa Pháp và Việt Nam, hội nghị chuyên đề đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2015, đánh dấu sự ra đời của FSFV, nơi quy tụ gần 150 người đến từ các hiệp hội y tế Pháp-Việt Nam.
Kể từ đó đến nay, FSFV không ngừng phát triển và tập hợp khoảng 25 hội, nhóm, các quỹ đầu tư và các công ty dược, thiết bị y tế và cá nhân là bác sỹ Pháp, Việt, hoặc người Pháp gốc Việt đang hoạt động trong lĩnh vực y tế tại Pháp và có hợp tác với các bệnh viện, cơ sở y tế tại Việt Nam.
Tiếp nối bề dày truyền thống hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế và sức khỏe cộng đồng, FSFV với Chủ tịch là Bác sĩ Đào Thu Hà, và Tổng thư ký là Bác sĩ nhi khoa Gildas Treguier, đã luôn nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa các bệnh viện Việt Nam và Pháp, tổ chức các hoạt động trao đổi, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong ngành y cho Việt Nam, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các bác sỹ, trợ giúp kỹ thuật và thiết bị y tế, góp phần cải thiện chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện và cơ sở y tế của Việt Nam.
FSFV cũng duy trì việc tổ chức các cuộc họp và các kỳ đại hội, gặp gỡ nhân dịp Tết cổ truyền, đón tiếp sinh viên, thực tập sinh, bác sĩ ngành y từ Việt Nam sang Pháp, tổ chức các hội nghị đánh giá về sự hợp tác y tế giữa hai nước trong thời gian đã qua và hoạch định các chương trình hành động trong tương lai.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa qua, FSFV đã theo sát diễn biến dịch tại Việt Nam và nỗ lực tìm kiếm các nguồn viện trợ về vaccine, thiết bị y tế như máy thở và các vật tư tiêu hao nhằm chung sức với Việt Nam trong công cuộc chống dịch.
"Các mối liên kết đã cho phép chúng tôi tiếp tục hành động không chỉ trong từng chuyên ngành của mình, mà còn có những hành động tập thể có ý nghĩa, đặc biệt là trong đại dịch COVID. Ngay khi đối mặt với làn sóng COVID-19 đầu tiên, Đại sứ quán Việt Nam tại Paris đã đề nghị chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm với tư cách là một bên đối thoại về y tế đa ngành. Tại thời điểm đỉnh dịch ở Việt Nam, hồi mùa thu năm 2021, 12 hội thảo trực tuyến đã được thực hiện, với sự cộng tác của các chuyên gia trong các lĩnh vực y tế khác nhau, từ chăm sóc đặc biệt, đến hô hấp, lão khoa...", bà Đào Thu Hà nhớ lại và cho biết thêm rằng các hội thảo này cũng được đưa lên trang web, phát trên kênh YouTube của FSFV, với số lượng truy cập thậm chí lên đến 3.000 kết nối trong lần phát sóng đầu tiên của hội thảo trực tuyến về COVID-19.
Bà Đào Thu Hà cũng đánh giá cao sự phối hợp nhiệt tình của các đồng nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là Hội Hô hấp học Việt Nam do Giáo sư Ngô Quý Châu làm đại diện, góp phần vào thành công của các hội thảo trực tuyến này. Bà cũng không quên nhắc lại sự giúp đỡ tượng trưng nhưng đầy ý nghĩa của các đồng nghiệp Việt Nam, những người đã cùng nhau gửi cho các đồng nghiệp tại Pháp những thùng khẩu trang và áo bảo hộ khi nước này phải đối mặt với bùng phát dịch bệnh COVID-19 vào mùa hè năm 2020.
Nói về những kế hoạch trong thời gian tới, bà Đào Thu Hà cho biết FSFV đã lên chương trình tổ chức các hội nghị chuyên đề vào tháng 11 tới tại Hà Nội, để kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược giữa hai nước Pháp - Việt Nam, 30 năm thành lập chuyên ngành đào tạo bác sĩ nội trú Việt Nam tại Pháp (FFI), và 100 năm thành lập Bệnh viện Ung bướu (Bệnh viện K)...
Nhận xét về hoạt động của FSFV, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá cao đóng góp của các bác sĩ Pháp và người Pháp gốc Việt trong hợp tác y tế giữa hai nước, góp phần tích cực thúc đẩy đào tạo nhân lực, hỗ trợ hiện đại hóa ngành y thông qua việc trợ giúp kỹ thuật và trao tặng máy móc, thiết bị khám chữa bệnh cho các bệnh viện và cơ sở y tế ở Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Việt Nam, FSFV đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn viện trợ về vaccin, thiết bị y tế nhằm chung sức với Việt Nam trong công cuộc chống dịch.
Đại sứ mong rằng với tinh thần chia sẻ tình cảm và trách nhiệm, với ước vọng về một nền y tế phát triển, mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam và y tế nước nhà, FSFV sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình đặc biệt trong việc đào tạo các thế hệ trẻ có thể tiếp nối và kế tục sự nghiệp thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, trong lĩnh vực y tế.