Lê Đình Chinh - liệt sỹ đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

“6h chiều ngày 25/8/1978, tôi mở đài, bất ngờ nghe đọc tên thằng Chinh hy sinh ở Lạng Sơn, tôi như chết lặng người đi. Nhiều người động viên vợ chồng tôi rằng chỉ là ai đó trùng tên thôi. Nhưng bằng linh cảm, tôi biết mình đã vĩnh viễn mất con…”, bà Khương Thị Chu, mẹ của liệt sỹ Lê Đình Chinh kể lại.

Một buổi sáng đầu năm, tôi tìm đến nhà bà Khương Thị Chu, mẹ của liệt sỹ Lê Đình Chinh - chiến sỹ đầu tiên ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc khi ấy anh tròn 18 tuổi.

Căn nhà nhỏ nằm trong một con ngõ ven thành phố Thanh Hóa. Những ngày này, bà Chu lại nhớ con trai đến quặn lòng. Khi tôi gợi nhắc về anh, bà len lén lau nước mắt rồi lấy xuống cho tôi xem bức ảnh bà chụp cùng con trai khi 9 tháng tuổi. Đây là tấm ảnh duy nhất bà chụp cùng liệt sỹ Lê Đình Chinh. Bao nhiêu năm rồi, bà vẫn gìn giữ bức ảnh như báu vật của cuộc đời mình.

Chú thích ảnh
Liệt sỹ Lê Đình Chinh - chiến sỹ đầu tiên ngã xuống ở mặt trận biên giới phía Bắc khi tròn 18 tuổi.

Bà Chu năm nay đã 85 tuổi, tai bà đã không còn nghe rõ, mắt cũng đã mờ đi rất nhiều và ngay cả trí nhớ cũng không còn được như xưa, chỉ duy có ký ức về người con trai cả đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới thì bà vẫn còn nhớ rất rõ.

"Bằng linh cảm tôi biết mình đã vĩnh viễn mất con..."

Bà Chu kể bà quê ở Thạch Thất (tỉnh Hà Tây cũ), còn ông quê gốc ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Bà sinh liệt sỹ Lê Đình Chinh năm 1960, khi vợ chồng đang làm việc tại Nông trường Ba Vì. Mấy năm sau ông bà chuyển vào công tác ở Nông trường Sông Âm, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Lê Đình Chinh là con cả trong gia đình có 6 người con nên phải làm rất nhiều việc. Năm anh Chinh tròn 15 tuổi và đang là học sinh của Trường cấp 2 xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc thì anh xin phép bố mẹ, xung phong đi bộ đội. Thương con còn nhỏ nhưng trước nguyện vọng được phụng sự cho Tổ quốc, bà Chu đã chấp nhận để con vào bộ đội.

“Đúng ngày 16/2/1975, Chinh lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, Chinh được biên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang nhân dân. Đơn vị của con được điều động vào chiến trường Tây Nam chiến đấu chống quân Pol Pot xâm phạm biên giới. Trong một trận đánh, nó bị thương và được đưa ra Bắc điều trị một thời gian. Khi vừa lành vết thương, Chinh xin trở lại đơn vị cũ để tiếp tục tham gia chiến đấu”, bà Chu kể lại.

Chú thích ảnh
Bà Chu gìn giữ tấm ảnh bà chụp cùng anh Chinh lúc 9 tháng tuổi.

Năm 1978, đơn vị của anh Lê Đình Chinh được bí mật điều động lên Lạng Sơn, bảo vệ biên giới phía Bắc, 3 tháng sau thì anh hy sinh.

“Ngày nào tôi cũng nghe Đài tiếng nói Việt Nam. Tôi vẫn nhớ như in đó là vào lúc 6 giờ chiều ngày 25/8/1978, tôi mở đài, bất ngờ nghe đọc tên thằng Chinh hy sinh ở Lạng Sơn, tôi như chết lặng người đi. Nhiều người động viên vợ chồng tôi rằng chỉ là ai đó trùng tên thôi. Nhưng bằng linh cảm, tôi biết mình đã vĩnh viễn mất con... Ông nhà tôi đánh điện ra đơn vị nó, nhắn rằng “Bố ốm nặng, con về ngay”, nhưng nó về làm sao được. Đến ngày 30/8/1978, đơn vị của nó về gia đình gửi giấy báo tử và làm lễ truy điệu cho nó…”, bà Chu ngậm ngùi kể về những thời khắc đau đớn nhất của đời mình.

Rồi bà bảo, suốt quá trình đi bộ đội, anh chỉ gửi cho bà duy nhất một bức thư. Lá thư đó bà giữ nhiều năm, sau này khi đứa cháu lớn muốn giữ kỷ vật của bác nên đã xin bà mang về cất giữ.

Câu chuyện hy sinh của con trai được đồng đội của anh kể lại, cho đến giờ bà cũng vẫn còn nhớ rất rành rọt.

Ngày 25/8/1978, Lê Đình Chinh đang cùng đồng đội đi thăm hỏi đồng bào tại khu vực biên giới thì bắt gặp một toán “côn đồ” từ bên kia biên giới kéo sang đánh giết cán bộ và nhân dân địa phương. Trước hành động bạo ngược đó, anh cùng đồng đội đã anh dũng chống trả, bảo vệ đồng bào mình. Mặc dù đã chiến đấu ngoan cường, đánh gục hàng chục tên địch, nhưng do lực lượng mỏng, trong khi kẻ địch lại quá đông, nên Lê Đình Chinh đã bị kẻ thù sát hại.

“Chiếc áo đầy máu của nó vẫn được lưu giữ ở nhà truyền thống của tỉnh Lạng Sơn”, bà Chu chia sẻ.

Ước nguyện cuối đời đã thành hiện thực

Bà Chu cho biết, hồi anh mới hy sinh, bà có lên thăm mộ anh ở gần đồi Pù Tèo Hào - nơi anh ngã xuống. Sau này, mộ anh Chinh được đưa về nghĩa trang huyện Cao Lộc.

Chú thích ảnh
Ước nguyện cuối đời của bà Chu là đưa hài cốt con trai về quê yên nghỉ đã thành hiện thực.

Ước nguyện cuối đời của bà Chu là đưa được hài cốt con trai về quê nhà. Bằng nhiều nỗ lực của bà Chu, hài cốt của liệt sỹ Lê Đình Chinh đã được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng (Thanh Hóa) vào ngày 6/1/2013.

Mấy năm trước còn khỏe, mỗi khi nhớ con bà lại ra thăm mộ thắp hương cho con nhưng vài năm nay bà Chu sức khỏe đã yếu, mỗi năm bà chỉ có thể ra thăm con được hai lần. Nhưng với bà Chu, con về quê nhà đã là mãn nguyện và ấm lòng lắm rồi.

Liệt sỹ Lê Đình Chinh (1960 - 1978) là chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) đầu tiên tử trận trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Việt - Trung 1978 - 1979, tại mặt trận huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn trong khi thi hành nhiệm vụ ngăn cản quân Trung Quốc tràn qua biên giới Việt Nam.

Ngày 30/8/1978, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho liệt sỹ Lê Đình Chinh. Không chỉ Thanh Hóa, nhiều địa phương đã lấy tên Lê Đình Chinh để đặt tên đường, trường học, nông trường. Sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ Lê Đình Chinh đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ của tuổi trẻ Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Theo Dân trí
40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc
40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tháng 2/1979, nhiều người con của tỉnh Kiên Giang đã hăng hái đăng ký lên tuyến đầu của Tổ quốc để bảo vệ biên cương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN