Lấy phiếu tín nhiệm 44 chức danh, không vì lý do nào khác mà đánh giá thiếu khách quan

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nhận định đây là một trong những phương thức giám sát tối cao quan trọng của Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, lá phiếu tín nhiệm sẽ đúng với trách nhiệm, kết quả công việc mà các chức danh đã thể hiện.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Chú thích ảnh
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai trả lời báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 6.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông): Các đại biểu đã chuẩn bị kỹ lưỡng

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tôi cho rằng tất cả các ĐBQH đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, bài bản chuẩn bị một cách chặt chẽ. 

Tôi tin việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ diễn ra một cách tốt đẹp, bởi vì Quốc hội đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và qua quá trình công tác thì các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, cũng đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình ở từng lĩnh vực. 

Tôi đánh giá rất cao các Bộ trưởng, trưởng ngành trong thời gian vừa qua đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Với gần 500 đại biểu Quốc hội, qua nửa nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, các ĐBQH đủ sáng suốt để đánh giá một cách khách quan, toàn diện đối với các lĩnh vực hoạt động của từng vị trí công tác của những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Tôi cho rằng khi xem xét một vấn đề nào đó cần phải xem xét một cách toàn diện cả khách quan và cả chủ quan. Chúng ta phải lường hết các vấn đề, bởi trong khi thực hiện cần xem xét quá trình công tác ở nhiều lĩnh vực, kể cả những phát sinh hoặc có những việc giải quyết tốt, việc giải quyết chưa tốt, những tồn tại, hạn chế, tính khách quan và tính chủ quan.

Tôi khẳng định một lần nữa là các đại biểu Quốc hội hoàn toàn sáng suốt, nhận định rõ vấn đề này để bỏ phiếu tín nhiệm của mình đối với từng vị trí cụ thể một cách xứng đáng.

Chú thích ảnh
Đại biểu Trần Văn Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Trần Văn Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình): Cơ sở quan trọng để xem xét, đánh giá kết quả điều hành của các chức danh 

Lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những hình thức hoạt động giám sát quan trọng của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đây là việc làm hết sức cần thiết, là một trong những lần để rà soát lại, đánh giá, xem xét lại uy tín và kết quả điều hành của các chức danh trong một khoảng thời gian. Tôi cho rằng cũng là một lần để người được lấy phiếu tín nhiệm  nhìn lại mình để có đạo điều hành tốt hơn trong thời gian tới. Đây là một trong những cơ sở rất quan trọng để sắp xếp vị trí phù hợp hơn với năng lực.

Qua đó, để thấy uy tín việc điều hành của cá nhân, vai trò của cá nhân trong một tổ chức, lĩnh vực nhất định và từ đây thì người dân có thể tham gia giám sát và có sự góp ý kiến.

Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tốt hơn cho bộ máy của mình để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý. Đồng thời, cá nhân cùng với tổ chức có điều kiện để giúp đỡ, bồi dưỡng thêm để hoàn thiện cá nhân của mình hơn. Có thể trong quá trình làm việc thiếu sót của mình chính bản thân không nhận ra nhưng qua một quá trình bỏ phiếu có thể cá nhân và tổ chức có thể nhận ra và hoàn thiện hơn tổ chức của mình, cũng từ đây nhân dân có thể giám sát rõ ràng hơn, minh bạch hơn.

Tôi kỳ vọng trong thời gian tới sau khi có kết quả thì sẽ có sự chuyển biến vì đã quy định rất rõ về vấn đề này, mỗi cá nhân phải có sự phấn đấu chứ không thể làm việc theo nhiệm kỳ mà phải có sự đánh giá, nhận xét. Người có phiếu tín nhiệm thấp thì sẽ bị bãi nhiệm thì đây là cảnh tỉnh tốt về trách nhiệm, đạo đức công vụ của mình trong điều hành công tác chuyên môn cũng như đạo đức lối sống, kể cả vấn đề gia đình.

Chú thích ảnh
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp) khẳng định không vì áp lực nào mà "bẻ cong" lá phiếu.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Đồng Tháp): Không vì áp lực nào mà “bẻ cong” lá phiếu

Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi, được đông đảo đồng bào, cử tri cả nước quan tâm. Kết quả lấy phiếu chưa biết sẽ ra sao, nhưng việc lấy phiếu sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, cho người dân biết.

Đối với những người có kết quả lấy phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm hoặc tín nhiệm thấp đều là kinh nghiệm rất lớn trong quá trình hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của bản thân cũng như cơ quan, mối quan hệ của gia đình mình trên tất cả các lĩnh vực.

Qua lấy phiếu tín nhiệm, bản thân tôi mong các vị ĐBQH xem kỹ báo cáo từng người, kết hợp nắm được quá trình hoạt động của từng chức danh, mối quan hệ gia đình và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của họ để bỏ phiếu, với tinh thần khách quan, trung thực, cầu thị, công tâm, không vì một áp lực nào đó mà mình "bẻ cong" hoặc bỏ những lá phiếu không đúng tâm tư, nguyện vọng của bản thân hoặc tình cảm của cử tri gửi gắm.

Viết Tôn - Thu Trang (thực hiện)/Báo Tin tức
Sẽ không có tác động nào làm ảnh hưởng đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Sẽ không có tác động nào làm ảnh hưởng đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Sáng 25/10, Quốc hội nghe báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; sau đó Quốc hội bỏ phiếu kín.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN