Chủ trì buổi gặp mặt có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong.
Đại biểu tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Biên tập Báo Nhân Dân - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn.
Cùng dự có: Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi; nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi; trên 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí Trung ương; lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí thường xuyên theo dõi, thông tin về Thủ đô Hà Nội.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã được xem phóng sự điểm lại những kết quả nổi bật của thành phố Hà Nội năm 2022.
Phát biểu góp ý với lãnh đạo thành phố, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cảm ơn lãnh đạo thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện cho các phóng viên Báo Nhân Dân nói riêng cũng như các cơ quan báo chí Trung ương, thành phố trong quá trình tác nghiệp và hoàn thành nhiệm vụ công tác tuyên truyền trên các lĩnh vực hoạt động của thành phố; chúc mừng những kết quả ấn tượng mà Hà Nội đạt được trong năm 2022 trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới có nhiều khó khăn, thách thức. Đồng thời đề nghị thành phố đổi mới tư duy truyền thông, chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí giúp báo chí thông tin trước, sớm các dự án quan trọng, những sự kiện lớn, những nhiệm vụ, vấn đề mới; lan tỏa tốt hơn tới đời sống xã hội và người dân.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã đạt được, đặc biệt là việc hoàn thành 22/22 chỉ tiêu năm 2022, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thông tin về những thành công của Việt Nam trong công tác đối ngoại năm 2022, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định trong kết quả đó có sự đóng góp của Hà Nội khi đã tạo ấn tượng về một môi trường hòa bình, an toàn, an ninh, mến khách trong mắt bạn bè quốc tế qua các sự kiện được tổ chức trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, với số lượng các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố, đây là lợi thế đối với công tác thông tin tuyên truyền. Vì thế, trong năm 2023, Hà Nội cần tăng cường hoạt động đối ngoại cấp cao; tăng cường hoạt động với các thành phố kết nghĩa, giao lưu; chủ động cung cấp cho Bộ Ngoại giao các thông tin về người Việt Nam ở các nước...
Phát biểu chia sẻ về tình hình, kết quả thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, một trong những điểm nhấn ấn tượng là trong 2 năm (2021 và 2022), thu ngân sách Hà Nội chưa phải cao nhất cả nước, nhưng thu nội địa từ sản xuất, kinh doanh (thuế, phí) của thành phố cao nhất cả nước; cho thấy kinh tế Thủ đô phát triển rất tích cực.
Đặc biệt kết thúc năm 2022, thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó đã thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đề ra 4 quan điểm, 2 mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp Thành phố Hà Nội cần tập trung triển khai thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu quả; quyết liệt thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; quyết liệt thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính; chủ động triển khai các nhiệm vụ có tính chất định hướng, căn cơ lâu dài cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.
Đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường, trật tự đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành ủy Hà Nội đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội và Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đồng thời, Thành ủy đã chỉ đạo, đôn đốc, nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ nhằm khơi thông nguồn lực cho Thủ đô, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt xử lý sai phạm như tập trung xử lý đối với 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố; xây dựng đề án khai thác nguồn lực từ tài sản công của thành phố...
Nói về dự án đường Vành đai 4, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, trước hết, dự án sẽ giúp giải quyết hàng loạt vấn đề như ùn tắc giao thông, tạo động lực phát triển của Thủ đô, nhất là vực dậy các vùng còn nhiều khó khăn như các huyện phía Tây thành phố. Dự án không chỉ có ý nghĩa đối với Hà Nội, mà còn tạo động lực phát triển cho cả vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Nhiệm vụ đặt ra rất khó khăn nhưng thành phố Hà Nội quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án và được người dân đồng tình ủng hộ.
Nhấn mạnh năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2020 - 2025, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm của thành phố là bám sát chỉ đạo của Trung ương, 10 chương trình công tác của Thành ủy, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, các nghị quyết chuyên đề, đề án, kế hoạch; tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm cá nhân, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; thực hiện tốt chủ đề công tác "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các dự án lớn, triển khai đầu tư vào 3 nhóm lĩnh vực ưu tiên (y tế, giáo dục, văn hóa); hoàn thiện các quy hoạch; xử lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; cải tạo chung cư cũ; thực hiện đề án quản lý, khai thác tài sản công...
Khẳng định trong năm qua, Hà Nội đạt được kết quả toàn diện trên có vai trò, đóng góp rất quan trọng của các cơ quan báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, người làm báo đã quan tâm, gắn bó, vừa kịp thời thông tin động viên, khích lệ, định hướng dư luận, vừa thẳng thắn góp ý xác đáng về những hạn chế tồn tại cho thành phố. Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố luôn luôn cởi mở và sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý chân thành, xây dựng của báo chí. Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn trong năm 2023, báo chí tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thành phố để kịp thời thông tin, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong dư luận, nhân dân. Đây là cơ sở hàng đầu để thành phố thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ khó, nhiệm vụ mới, thực sự là thành phố năng động, đổi mới, phát triển.
Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chúc các cơ quan báo chí tiếp tục phát triển, chúc cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo Việt Nam cùng gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.