Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế
Ngày 3/5, tiếp xúc cử tri quận 4, TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế nước ta nhìn chung còn yếu kém, trong khi đó, năm 2015 Việt Nam sẽ tự do hóa hoàn toàn về thương mại, giảm thuế suất, như đã cam kết với các tổ chức quốc tế có liên quan. Chủ tịch nước cho rằng, thời gian còn lại không nhiều, do vậy phải nỗ lực tối đa, các doanh nghiệp phải chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ hơn nữa.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đại diện cho các doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ có thêm các giải pháp mạnh hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay, như giảm thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạ lãi suất ngân hàng, ưu tiên nguồn vốn để duy trì sản xuất... Theo cử tri Trần Trường Sơn, đại diện khối doanh nghiệp sáng tạo thành phố, hiện nay khối doanh nghiệp sáng tạo nói chung và doanh nghiệp chế tạo máy nói riêng đang hết sức khó khăn; do vậy cần ưu tiên nguồn vốn cho doanh nghiệp sáng tạo, hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp chế tạo máy...
Lãi suất ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn khó khăn, thiếu vốn... cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày đang “sống dở, chết dở”. Các cử tri đại diện khối doanh nghiệp dệt may kiến nghị cần hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, có chính sách cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, công nghệ...
Trước những kiến nghị của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, song song với kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã bắt đầu triển khai một số giải pháp cụ thể để khắc phục tình hình suy giảm kinh tế và sản xuất đang khó khăn hiện nay. Chủ tịch nước nhấn mạnh, một mặt Nhà nước sẽ có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng mặt khác doanh nghiệp phải chủ động nỗ lực vượt khó, vì trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp không thể cứ mãi trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Đất nước đang có nhu cầu lớn về nhân lực
Trong hai ngày 2 và 3/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri theo chuyên đề tại huyện Đức Thọ và thành phố Hà Tĩnh về lĩnh vực giáo dục ở bậc phổ thông và giáo dục dạy nghề.
Tiếp xúc đại diện cử tri là các thầy cô giáo tại các trường phổ thông huyện Đức Thọ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, công tác giáo dục, đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là quốc sách xây dựng và phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước. Sau nhiều năm đổi mới, đất nước đang hướng tới giai đoạn phát triển mạnh, tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng trên mọi lĩnh vực và tích cực xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, giáo dục, đào tạo là giải pháp mang tính quyết định.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh những ý kiến thẳng thắn của các cử tri, các thầy cô giáo về những bất cập, hạn chế trong dạy và học tại địa phương và trên địa bàn cả nước. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá kỹ những tồn tại này để từng bước có giải pháp khắc phục, giải quyết. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tiếp tục thu thập kiến nghị, đề xuất của cử tri, tổng hợp thêm nhiều ý kiến hơn nữa góp phần vào việc sửa đổi pháp luật về giáo dục một cách toàn diện, đầy đủ hơn trên các phương diện của công tác giáo dục.
Thăm cơ sở đào tạo, gặp gỡ các thầy cô giáo tại Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh và tiếp xúc với các cử tri công tác trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong giai đoạn phát triển mới, đất nước đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thực tế những năm vừa qua, công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trách nhiệm đặt ra đối với ngành giáo dục cả nước là hết sức quan trọng nhưng cũng đầy vinh quang, đào tạo những thế hệ lao động đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, là địa phương đang định hướng phát triển mạnh về công nghiệp, hình thành khu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, Hà Tĩnh đang có nhu cầu lớn về lao động mọi ngành nghề. Căn cứ vào tình hình thực tế, nhiệm vụ đào tạo nghề của tỉnh cần hướng đến những yêu cầu cụ thể, đặc biệt là việc đào tạo lao động phục vụ Khu kinh tế Vũng Áng và Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Trân trọng, đánh giá cao những đề xuất, kiến nghị của đông đảo cử tri, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh tiếp tục tổng hợp, ghi nhận các ý kiến đóng góp, tổng hợp, đánh giá riêng về lĩnh vực đào tạo nghề, từ đó đặt ra các giải pháp, thực hiện bằng được mục tiêu đặt ra. Tỉnh cần lưu ý mở rộng mô hình đào tạo, đa dạng hóa phương pháp giảng dạy, đổi mới giáo trình, chương trình, tránh tình trạng lạc hậu trong đào tạo. Việc đầu tư dạy nghề cũng phải có trọng tâm, trọng điểm, mô hình đào tạo theo hướng tự chủ, năng động, tránh dàn trải, cào bằng.
Cần làm rõ những vướng mắc trong thực hiện chính sách quản lý, khai thác khoáng sản
Trong chương trình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam, ngày 3/5, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đã làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam đã báo cáo khái quát tình hình quản lý, cấp phép, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn thời gian qua. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những mặt tích cực, hiệu quả kinh tế mang lại cũng như những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Lãnh đạo tỉnh Hà Nam và các ngành chức năng đã giải đáp một số thắc mắc của Đoàn ĐBQH như: thời gian cấp phép khai thác khoáng sản có phù hợp với quy định trong Luật Đất đai hay không; việc phục hồi môi trường tiến hành như thế nào; phương án khi xảy ra sự cố về môi trường. Đồng thời Đoàn ĐBQH đề nghị UBND tỉnh Hà Nam phân tích rõ hơn những bất cập trong khai thác khoáng sản, những giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đề nghị tỉnh cần cân nhắc giữa lợi ích kinh tế của việc khai thác, chế biến khoáng sản với hiệu quả xã hội, lợi ích xã hội, đảm bảo tính hài hòa giữa các lợi ích. Tỉnh Hà Nam cần chỉ đạo sát sao, hoàn thiện các văn bản quy định, thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý các doanh nghiệp, địa phương không thực hiện đúng quy định.
Cử tri TP Cần Thơ kiến nghị QH cần hoàn thiện hệ thống BHXH
Ngày 3/5, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng các thành viên trong đoàn ĐBQH khóa XIII TP Cần Thơ đã tiếp xúc cử tri tại hai quận Bình Thủy và Ninh Kiều.
Tại các điểm tiếp xúc, đại diện đoàn ĐBQH khóa XIII TP Cần Thơ đã thông báo đến cử tri dự kiến tóm tắt những vấn đề quan trọng sẽ thỏa thuận, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra từ 21/5 đến 21/6.
Cử tri cho rằng, các cuộc họp của Quốc hội và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới trong chất vấn, trả lời chất vấn, trong đó rất hoan nghênh các cuộc họp trực tuyến để các bộ, ngành đối thoại trực tuyến trả lời cử tri. Cử tri cũng bày tỏ băn khoăn tình trạng tham nhũng, một bộ phận cán bộ đảng viên sa sút phẩm chất, ý chí chiến đấu, tha hóa, cơ hội, vô cảm, thực dụng vẫn đang tồn tại, làm mất niềm tin của nhân dân...
Cử tri kiến nghị Quốc hội sớm hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp, chương trình đào tạo nghề... ĐBSCL hiện còn nhiều bất cập, các bộ, ngành chức năng nên có kế hoạch sản xuất cung - cầu hài hòa tránh tình trạng “điệp khúc” được mùa rớt giá như hiện nay.
Tiếp thu những ý kiến, đề đạt của cử tri, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh biểu dương tinh thần đóng góp xây dựng thẳng thắn của cử tri, cảm ơn những ý kiến đóng góp, chia sẻ chân thành của cử tri TP Cần Thơ. Đồng chí Lê Hồng Anh báo cáo bổ sung tóm tắt chương trình kỳ họp của Quốc hội sắp tới; tóm tắt tình hình phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng, an ninh của đất nước; hệ thống lại kế hoạch và 7 nhóm giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm, đồng thời trao đổi một số vấn đề cử tri quan tâm...
TTN