Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại Ninh Bình
Chiều 12/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ tại tỉnh Ninh Bình.
Tại khu vực tràn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, đồng chí Lê Minh Hưng cùng đoàn công tác đã kiểm tra, nắm tình hình khắc phục hậu quả cơn bão số 3, nghe các phương án của tỉnh Ninh Bình về khả năng phải xả tràn trong trường hợp khẩn cấp.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Lê Minh Hưng chia sẻ với tỉnh Ninh Bình về những thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn; đồng thời đánh giá rất cao công tác chủ động ứng phó của tỉnh, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống cơn bão số 3 cũng như ảnh hưởng của mưa, lũ. Đồng chí lưu ý tỉnh Ninh Bình phải luôn nêu cao tinh thần chủ động, tuyệt đối không chủ quan, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương trong việc phòng, chống thiên tai, mưa lũ.
Trong tình huống phải xả tràn Lạc Khoái, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu Ninh Bình phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân; đảm bảo cho nhân dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, bên cạnh đó phải lưu ý đến vấn đề y tế, phòng, chống dịch bệnh. Đồng chí cho rằng những đề xuất của tỉnh Ninh Bình rất sát và phù hợp với thực tế. Bộ Chính trị sẽ phân công các đoàn công tác về làm việc về những đề xuất của địa phương.
Báo cáo nhanh tại buổi khảo sát, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết: Cơn bão số 3 không gây thiệt hại về người tại Ninh Bình. Tuy nhiên, tỉnh có trên 474 ha lúa bị đổ, trên 104 ha rau bị dập nát, 14,9 cây hằng năm bị gãy, đổ... Mưa, lũ khiến hơn 3.000 nhà ngoài đê và một số tuyến đường bị ngập; sạt chân mái đê Hữu Đáy phía đồng dài 60m tại xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn; nứt bể xả trạm bơm Gia Trấn, huyện Gia Viễn...
Mực nước sông Hoàng Long tại Bến Đế thời điểm báo cáo ở mức 4,87m, dự báo vào 19 giờ ngày 12/9 có khả năng lên mức 5,3m. Nếu thực tế diễn biến như dự báo, tỉnh Ninh Bình tính đến phương án phải xả tràn Lạc Khoái. Việc xả tràn sẽ gây ngập lụt trên 7.220 ha thuộc địa bàn 4 xã của huyện Gia Viễn và 8 xã của huyện Nho Quan; phải sơ tán trên 30.600 khẩu của 8.058 hộ; ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Tuy nhiên, trên địa bàn và tại Hưng Thi hiện không có mưa, đỉnh lũ đã giảm và tối 12/9 khả năng thủy triều sẽ xuống, là những tín hiệu tích cực để tỉnh Ninh Bình không phải vận hành xả tràn Lạc Khoái.
Từ thực tế chống lũ những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đề xuất Trung ương cho nâng cấp đê Hoàng Long lên 6 mét và đưa Ninh Bình ra khỏi danh sách vùng phân lũ, chậm lũ; để đảm bảo tăng cường khả năng tiêu, thoát lũ nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu trong những giai đoạn mưa, lũ lớn, kéo dài, tỉnh đề nghị Trung ương triển khai nạo vét, chỉnh trị khu vực Cửa Đáy (huyện Kim Sơn) bị bồi rất nhanh, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ...
Cùng ngày, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã tới thăm hỏi, động viên nhân dân bị ảnh hưởng do mưa lũ tại thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn và kiểm tra phương án vận hành Trạm bơm Gia Viễn.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra công trình Thủy điện Hòa Bình
Ngày 12/9, tại Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Hồng Phương; lãnh đạo của Công ty Thủy điện Hòa Bình, Ban Quản lý dự án điện 1 cùng các nhà khoa học, chuyên gia Hội đồng tư vấn an toàn đã có buổi kiểm tra đánh giá thực tế tại công trình Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Hòa Bình mở rộng sau cơn bão số 3.
Đại diện Công ty Thủy điện Hòa Bình và Ban Quản lý dự án điện 1 triển khai dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng đã có báo cáo về việc thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, xử lý kịp thời các hư hỏng của kết cấu công trình và các thiết bị quan trắc; luôn sẵn sàng phương án bảo vệ đập, phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với tình huống khẩn cấp để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước của Công trình Thủy điện Hòa Bình. Đồng thời, Ban Quản lý dự án điện 1 cũng đã báo cáo tình hình triển khai dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Báo cáo và đánh giá sơ bộ của Tổ chuyên gia cho thấy, công trình Thủy điện Hòa Bình đang làm việc trong trạng thái ổn định, an toàn.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các công ty thủy điện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình, điều tiết hồ chứa nước, luôn sẵn sàng các phương án nhằm ứng phó với những tác động của cơn bão số 3. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Thủy điện Hòa Bình và Ban Quản lý dự án điện 1 tiếp tục theo dõi, đánh giá; chủ động thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng (Quyết định số 740/QĐ-TTg).
Các đơn vị kịp thời thông tin về Hội đồng tư vấn Khoa học và Công nghệ đánh giá an toàn hồ, đập chứa trên bậc thang thủy điện sông Đà (thông qua Cơ quan Thường trực của Hội đồng) trong những tình huống bất thường liên quan đến an toàn hồ, đập; chuẩn bị các phương án bảo vệ đập; phòng, chống thiên tai và ứng phó với tình huống khẩn cấp để khi có các tình huống xảy ra.
Các đơn vị tổ chức kiểm tra các hạng mục công trình đầu mối như: Toàn bộ tuyến áp lực, công trình xả lũ, dốc nước, các cửa van đảm bảo kín nước, gia cố hai vai công trình ổn định và theo dõi hiện tượng sạt lở do mưa lũ tại tuyến công trình (nếu có)... nhằm đảm bảo công trình vận hành, ổn định.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết: Hà Giang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Ngày 12/9, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt bão tại tỉnh Hà Giang.
Tại buổi làm việc, báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trong 2 ngày 8 - 9/9, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn diện rộng, gây lũ, sạt lở đất ở nhiều địa phương, làm thiệt hại lớn đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Mưa lũ đã làm 1 người chết, 1 người mất tích, 1 người bị thương nặng; 1.196 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Gần 1.700 ha lúa, hoa màu và gần 60 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng nghìn cho gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Do mưa lớn kéo dài nên toàn tỉnh đã có hàng trăm điểm bị sạt lở, với hàng chục nghìn m3 đất đá tràn xuống lòng đường làm hỏng nhiều tuyến giao thông huyết mạch quan trọng… Ước tính ban đầu, lụt bão gây thiệt hại khoảng 105,5 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết đánh giá cao tinh thần chủ động, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống thiên tai, từ đó đã hạn chế thấp nhất thiệt hại, đặc biệt là công tác dự báo, kinh nghiệm thực tiễn tại Hà Giang.
Thượng tướng Trịnh Văn Quyết đề nghị tỉnh khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”. Trong đó, tỉnh cần tập trung cứu dân, dự kiến được các tình huống, không chủ quan, chủ động di dời bà con ở các sườn núi cao, có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, triển khai khẩn trương công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả bão số 3. Trong những ngày này, cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị trực thuộc hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường.
"Cán bộ, chiến sỹ Quân khu 2 luôn sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để giúp bà con các dân tộc thiểu số Hà Giang trong lúc hoạn nạn, khó khăn này", Thượng tướng Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh.
Dịp này, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên, trao quà cho một số hộ dân bị thiệt hại tại thôn Kè Nhạn, xã Đồng Yên (huyện Bắc Quang) và thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (huyện Quang Bình) - hai địa phương bị thiệt hại nặng do mưa lũ.