Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thương mại và Hợp tác quốc tế Suriname, Albert Ramdin.
Tại buổi tiếp, Tổng thống Suriname vui mừng chào đón Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa tới Suriname, thông qua Đại sứ chuyển lời thăm hỏi và những lời chúc tốt đẹp đến Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và người dân Việt Nam.
Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa bày tỏ vinh dự được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiêm nhiệm Cộng hòa Suriname; chúc mừng những thành tựu kinh tế mà nhân dân Suriname đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Chan Santokhi; cam kết trên cương vị của mình, sẽ đóng góp tích cực vào việc phát triển mối quan hệ truyền thống hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước; khẳng định sẽ nỗ lực đóng góp tích cực vào việc mở rộng hơn nữa quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế hiện còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước.
Tổng thống bày tỏ sự coi trọng đối với người dân Việt Nam và khẳng định sẽ luôn quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với người dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc trên đất nước Suriname.
Ngày 12/11, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thương mại và Hợp tác quốc tế Albert Ramdim đã tiếp Đại sứ Kim Hoa, phía Bộ Ngoại giao Suriname đánh giá cao những thành tựu cũng như vai trò của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế; khẳng định sẽ luôn ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn đa phương; đồng thời thúc đẩy tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong thời gian tới. Suriname mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm chế biến sau thu hoạch, đặc biệt là trong lĩnh vực lúa gạo và thủy hải sản.
Cùng ngày, Đại sứ Kim Hoa đã có buổi làm việc với Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Suriname - ông Jaynath Padarath; hai bên đã thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường trao đổi thương mại, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như nông sản, hải sản, gỗ… đồng thời mong muốn tổ chức các chương trình đào tạo, trao đổi trong ngành nông sản.
Nhân dịp này, Đại sứ cũng đã tiếp xúc và gặp gỡ cộng đồng ta đang sinh sống và làm việc tại Suriname. Cộng đồng người Việt Nam tại Suriname còn rất non trẻ, mới hình thành từ năm 1999, đa số là thuyền viên các tàu đánh cá của Suriname, Hàn Quốc, Ấn Độ. Sau thời gian đánh bắt cá tại vùng biển Suriname họ quyết định ở lại sinh sống và làm việc tại đây. Điều đặc biệt của cộng đồng này là họ đều là những người con của vùng biển Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Với tình yêu biển cả, kinh nghiệm đánh bắt cá ở quê nhà khiến họ trở thành những thuyền viên luôn được thuyền trưởng người nước ngoài khen ngợi với đức tính cần cù và tố chất thông minh. Hiện nay cộng đồng người Việt tại đây đã là chủ của 5 tàu đánh bắt cá, họ vui mừng vì đã khẳng định được chính mình trên đất nước Suriname. Họ góp phần xây dựng và phát triển đất nước Suriname và cũng góp phần hỗ trợ người thân của mình ở quê hương Việt Nam, họ chính là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và Suriname.