15 năm qua, kể từ khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, quan hệ giữa hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển theo hướng lành mạnh, ổn định. Sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước không ngừng được củng cố, đi vào chiều sâu.
Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước duy trì tiếp xúc mật thiết. Trong đó, ấn tượng sâu sắc nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc vào cuối năm 2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm diễn ra ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa mới bế mạc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được lãnh đạo Trung Quốc mời thăm và tiếp đón chính thức ngay sau Đại hội. Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử và thành công tốt đẹp.
Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt. Tổng Bí thư hai Đảng trao đổi thư chúc mừng nhân dịp Tết Quý Mão 2023; Lãnh đạo chủ chốt trao đổi điện mừng nhân kỷ niệm 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18/1), kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9), 74 năm Quốc khánh Trung Quốc (1/10)...
Các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao hai nước được tích cực triển khai. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc (17-20/10). Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân, Trung Quốc (25-28/6); dự Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 20 tại Quảng Tây (16-19/9)…
Giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng được duy trì thường xuyên. Khi tình hình được khôi phục trở lại sau đại dịch COVID-19, cơ chế gặp gỡ người đứng đầu Bộ Chính trị hai Đảng được khôi phục trở lại. Dự kiến sang năm 2024, hai bên sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo lý luận và nối lại những cơ chế trao đổi kinh nghiệm xây dựng Đảng, quản lý đất nước. Các cấp, ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng dịch.
Trong nhiều năm, Trung Quốc đã duy trì vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam duy trì xu thế tăng trưởng nhanh chóng và bền vững. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 180 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của ta đạt khoảng 58 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 120 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 10/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt gần 140 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt xấp xỉ 50 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2022; chiếm 17% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam đạt hơn 2,5 tỷ USD với 555 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 4 tại Việt Nam.
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.
Giao lưu nhân dân hai nước duy trì xu thế khôi phục nhanh chóng sau đại dịch COVID-19. Đến nay, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam. Trong 10 tháng năm nay, Việt Nam đã đón 1,3 triệu lượt khách Trung Quốc. Song song đó, sự phối hợp trao đổi, hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc trong các công việc chung của khu vực và quốc tế không ngừng được tăng cường.
Theo Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Ngô Lê Văn, Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện vào năm 2008 - khuôn khổ quan hệ đối ngoại cao nhất mà ta thiết lập với các đối tác.
Sau 15 năm triển khai khuôn khổ này, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển với xu thế rất tích cực, toàn diện, thực chất với nhiều điểm sáng. Tính toàn diện chính là điểm nhấn xuyên suốt, thể hiện qua việc hai bên thường xuyên duy trì các chuyến thăm, trao đổi cấp cao trên tất cả các kênh: Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc.
Tổng Bí thư của hai Đảng thường xuyên duy trì trao đổi chiến lược với nhiều hình thức và biện pháp linh hoạt. Các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương mở rộng và tăng cường hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Hợp tác về chính trị - ngoại giao không ngừng được tăng cường, củng cố. Hợp tác về quốc phòng - an ninh trở thành một trong những trụ cột của quan hệ song phương. Hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư có bước phát triển rất tích cực. Hợp tác trao đổi, giao lưu nhân dân diễn ra hết sức sôi động với nhiều hình thức.
Việt Nam hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, là ưu tiên hàng đầu, là sự lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại. Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng. Đặc biệt, hai bên hết sức coi trọng, phát huy vai trò định hướng, chiến lược của quan hệ kênh Đảng trong tổng thể quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc.
“Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình có ý nghĩa rất quan trọng, cùng với chuyến thăm chính thức Trung Quốc mang ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022), sẽ tạo điều kiện thuận lợi cũng như động lực cho sự phát triển lên tầm cao mới của quan hệ hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước với những hợp tác hết sức thiết thực, hiệu quả và ngày càng thực chất hơn”, Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh.
Trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ hai nước theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và trên thế giới.