Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á (Ban Đối ngoại Trung ương Đảng trước đây), Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc về chuyến thăm và quan hệ hai nước.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc trả lời phỏng vấn về quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Chuyến thăm Việt Nam tới đây sẽ là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ 4 của ông Tập Cận Bình với tư cách là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chuyến thăm trùng với kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa, tạo nên mối quan hệ bền chặt "vừa là đồng chí vừa là anh em". Ông có đánh giá thế nào về ý nghĩa cũng như kỳ vọng ở chuyến thăm lần này của lãnh đạo Trung Quốc?
Xét về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong lịch sử cũng như trong những năm gần đây, tất cả các chuyến thăm của người lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đều có ý nghĩa quan trọng. Năm nay có một đặc điểm quan trọng hơn những năm khác, đó là hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và lãnh đạo hai bên đã xác định là Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025. Do đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình càng có ý nghĩa, mở đầu cho hàng loạt giao lưu sắp tới. Đây cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên trong năm 2025 của ông Tập Cận Bình, cho thấy phía Trung Quốc cũng hết sức coi trọng sự kiện này.
Chúng ta mong rằng, qua chuyến thăm này, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi và đạt được những nhận thức chung mới, đưa quan hệ hai nước tiến thêm một bước mới. Cụ thể, hai bên sẽ đạt được một số thỏa thuận về hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư, tạo thuận lợi hơn nữa cho lưu thông hàng hóa, giúp rút ngắn sự chênh lệch cán cân thương mại giữa hai nước.
Tôi cũng hy vọng là vấn đề cơ sở hạ tầng giữa hai nước lần này sẽ được đề cập đến và sẽ đạt được những thỏa thuận để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc, nhất là về nông sản, hải sản, thủy sản.
Sau hơn 1 năm hai nước xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược", theo ông, hai bên đã đạt những kết quả thế nào và điều này có ý nghĩa gì trong quan hệ hai nước?
Hai bên đã đạt được thỏa thuận là xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Đây là xuất phát từ tầm nhìn lâu dài về quan hệ hai nước, không phải là một, hai năm.
Hơn một năm qua, thỏa thuận trên có tác động mạnh mẽ trong nhận thức của lãnh đạo và nhân dân hai nước, tạo thành một động lực tích cực thúc đẩy phát triển quan hệ song phương.
Điều nhìn thấy rõ nhất là tình cảm, độ tin cậy có tăng lên. Độ tin cậy trong xã hội, trong lãnh đạo, trong các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước tăng lên. Điều đó thể hiện khá rõ ràng. Năm vừa rồi, các doanh nghiệp hai bên tỏ ra tin tưởng nhau hơn, hợp tác kinh tế, thương mại năm qua phát triển rất ấn tượng. Trong năm 2024, kim ngạch thương mại đã vượt mức 200 tỷ USD theo thống kê của Việt Nam và 260 tỷ USD theo số liệu của Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân của Việt Nam.
Vì sao lại có được những kết quả như vậy, có lẽ, tôi nghĩ rằng người Trung Quốc cũng cảm thấy đầu tư vào Việt Nam, làm ăn ở Việt Nam có hiệu quả hơn và độ tin cậy cao hơn, kể từ lúc nước hai nước đưa định vị quan hệ lên tầm cao mới, tức là "Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược".
Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn nhấn mạnh nền tảng của quan hệ Việt - Trung là ở nhân dân, giao lưu mật thiết giữa nhân dân hai nước trở thành dòng chảy lớn trong tình hữu nghị Việt - Trung. Năm nay, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, lãnh đạo hai nước đã xác định là Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc. Ông có thể làm rõ hơn vị trí, vai trò của đối ngoại nhân dân trong củng cố tình cảm hữu nghị giữa người dân hai nước?
Trong quan hệ hai quốc gia, một trong những cơ sở nền tảng rất quan trọng là quan hệ giữa nhân dân hai nước. Đặc biệt, đối với Việt Nam - Trung Quốc, hai nước có quan hệ mấy ngàn năm nay về mặt nhân dân, sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc rất rõ nét. 75 năm qua, sự giao lưu đó thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng gần gũi hơn, chặt chẽ hơn. Quan hệ hữu nghị chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau và thông cảm lẫn nhau; muốn hiểu biết lẫn nhau cần phải tăng cường giao lưu con người. Nói cách khác là tăng cường giao lưu nhân dân dưới nhiều hình thức.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2023 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo hai bên đã thảo luận và đưa ra định hướng “6 hơn” nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ. "6 hơn" thực ra là làm thế nào cho độ tin cậy chính trị giữa hai nước cao hơn, tin cậy vững chắc hơn. Để quan hệ vững chắc hơn, đầu tiên là độ tin cậy chính trị và trong các phần còn lại là các hợp tác về an ninh quốc phòng, hợp tác kinh tế, thương mại thực chất hơn, hiệu quả hơn..., nhất là làm cơ sở xã hội vững chắc hơn.
Cơ sở xã hội ở đây là gì? Nếu nói theo cách diễn đạt của Trung Quốc tức là cơ sở lòng dân vững chắc hơn. Cho nên tôi nghĩ rằng việc giao lưu nhân dân chính là nhằm mục đích này. Bởi vậy, cho nên giao lưu giữa các tổ chức quần chúng hay đối ngoại nhân dân không phải kênh Đảng, không phải là kênh Nhà nước, cần phải được tăng cường để thực hiện mục tiêu này.
Trong phát biểu tại Chương trình "Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ tổ chức vào tháng 3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, thực tế cho thấy, tình cảm của nhân dân hai nước được khơi nguồn và được duy trì cũng chính là từ thế hệ trẻ. Dưới góc độ Hội Hữu nghị Việt - Trung, xin ông cho biết Hội đã và đang có những chương trình, kế hoạch gì để bồi dưỡng nhận thức, thúc đẩy tình hữu nghị giữa thế hệ trẻ hai nước?
Tôi nghĩ phát biểu của Tổng Bí thư cũng như theo cách hiểu của chúng ta là tình cảm giữa nhân dân hai nước, suy cho cùng không phải là trong chốc lát 1-2 năm là xây dựng nên, mà là một quá trình lâu dài.
Tình cảm của con người được hình thành từ lúc trẻ đến lúc già và phát triển dần dần. Bởi vậy, cho nên khi nói tình cảm nhân dân hai nước thì phải bồi dưỡng nó từ lúc còn trẻ, như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là phải xuất phát từ tình cảm của thế hệ trẻ. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chú ý bồi dưỡng để thế hệ trẻ hai nước có tình cảm kết nối, kế thừa tình cảm của các bậc tiền bối. Đây là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan, tất cả các tổ chức hai nước.
Dưới góc độ Hội Hữu nghị, chúng tôi rất quan tâm bồi dưỡng nhận thức cho thế hệ trẻ. Muốn làm tốt điều đó, cần phải luôn giáo dục thế hệ trẻ không được quên lịch sử. Các bậc tiền bối đã xây dựng và vun đắp mối tình hữu nghị đó thành bảo bối cho hai dân tộc, thế hệ sau có sứ mệnh kế thừa và phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước. Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của Hội Hữu nghị, nhưng Hội đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, thúc đẩy giao lưu thế hệ trẻ: Các hoạt động Du lịch đỏ - Theo dấu chân Bác Hồ trên đất Trung Quốc nhằm làm cho người dân hai nước nói chung và thế hệ trẻ nói riêng nhận thức được sâu sắc hơn về lịch sử quan hệ giữa các nhà lãnh đạo tiền bối và quan hệ nhân dân hai nước qua các cuộc cách mạng của hai dân tộc. Đó là những gì Hội Hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc đã làm và sẽ tiếp tục làm.
Trân trọng cảm ơn ông!