Ngày hôm nay (10/6), lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 lãnh đạo giữ chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Kết quả của hoạt động lấy phiếu tín nhiệm này không đơn thuần nhằm đánh giá, nâng cao hiệu quả hoạt động của người được lấy phiếu tín nhiệm mà còn là “thước đo” vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội nói riêng và của Quốc hội nói chung.
Trăn trở của người cầm lá phiếu
“Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ phản ánh hiệu quả hoạt động của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện; đồng thời cũng thể hiện khả năng và vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Do đó, thời gian qua, các ĐBQH rất nỗ lực để thu thập thông tin về hiệu quả công tác, đạo đức, lối sống... của những người được lấy phiếu tín nhiệm để có thể đưa ra những đánh giá chính xác, khách quan nhất”, ĐBQH Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khẳng định.
Chia sẻ với PV Tin Tức về vấn đề làm thế nào để đưa ra những đánh giá chính xác về hiệu quả công tác của những người được lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH Trương Minh Hoàng, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Tôi đã xem xét rất kỹ báo cáo cá nhân của những chức danh dự kiến sẽ được lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp này. Ngoài ra, tôi còn thu thập thông tin về hiệu quả hoạt động của các chức danh từ phương tiện thông tin đại chúng... Dẫu vậy, việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh sao cho đảm bảo chính xác 100% là không đơn giản. Do đó, bản thân tôi cũng phải đắn đo, cân nhắc từng người một để có thể đưa ra những đánh giá tương đối chính xác”.
Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. (Trích khoản 2, Điều 1 của Nghị quyết 35) |
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng cho hay: “Tôi rất băn khoăn với việc làm sao để lá phiếu của mình thể hiện chính xác mức độ tín nhiệm của từng chức danh, tránh sau này cử tri phê bình ĐBQH đánh giá chưa thấu đáo, chưa tròn trách nhiệm”.
Nhìn chung, các ĐBQH thường thu thập thông tin về người được lấy phiếu tín nhiệm thông qua: Báo cáo cá nhân, báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, báo chí hoặc chất vấn người được lấy phiếu tín nhiệm về những thông tin còn khúc mắc trước khi lấy phiếu tín nhiệm...
“Nhưng nhiều báo cáo cá nhân còn chung chung, kiểu như báo cáo của ngành nên chưa nêu rõ dấu ấn cá nhân của người được lấy phiếu tín nhiệm. Tuy vậy, chúng tôi luôn phải thận trọng thông tin thu thập được, bởi không phải bộ, ngành nào bị phản ánh liên tiếp trên báo chí thì đều đồng nghĩa với việc “Tư lệnh” ngành (các bộ trưởng - PV) không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao hoặc ngược lại. Riêng cá nhân tôi sẽ đánh giá mức độ tín nhiệm các chức danh thông qua hiệu quả công việc là chính, nhất là yêu cầu về việc tạo ra sự chuyển biến tích cực khi đảm nhận các chức danh nhiệm vụ mà Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”, bà Lan chia sẻ.
Sẽ công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Theo ông Đinh Xuân Thảo, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (Nghị quyết 35) đã quy định rõ: “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người được Ban kiểm phiếu công bố công khai tại kỳ họp, gồm các nội dung...Tổng số phiếu phát ra, số phiếu thu về và số phiếu hợp lệ; tổng số phiếu đánh giá mức độ tín nhiệm (tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp), tỷ lệ phần trăm so với tổng số ĐBQH...”.
Căn cứ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm do Ban kiểm phiếu công bố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm để xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số ĐBQH đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Quốc hội sẽ xem xét tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay hoặc chậm nhất là vào kỳ họp tiếp theo (trừ trường hợp có đơn xin từ chức và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận).
Sau đó, nếu người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức chức danh đó ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.
Nhưng liệu việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội có xảy ra khả năng vận động hành lang hoặc đưa ra một kết quả kiểu "hòa cả làng” hay không? ĐBQH Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho hay: “Tôi không lo ngại về điều này vì quan trọng là đánh giá kết quả sao cho chính xác chứ không phải cứ kết quả nhiều người ở mức tín nhiệm thấp thì mới là tốt. Và đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được ý kiến nào về việc vận động bỏ phiếu”.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cũng khẳng định: “Bản thân tôi đến nay chưa thấy bất kỳ một hiện tượng “vận động hành lang” nào. Tôi nghĩ rằng dù khó nhưng ĐBQH sẽ luôn cố gắng và sẽ đủ khả năng để đưa ra những nhận xét khách quan thông qua lá phiếu lấy tín nhiệm mà mình cầm trên tay”.
Theo kế hoạch, chiều nay, sau khi chốt danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm, các ĐBQH sẽ tiến hành bỏ phiếu. Sáng mai (11/6), sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu thì Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả kiểm phiếu này. Do đó hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cử tri cả nước đang từng bước dõi theo và hy vọng các ĐBQH sáng suốt, công tâm khi bỏ phiếu tín nhiệm nhằm phản ánh đúng tình hình thực tế, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao trong bộ máy nhà nước ngày càng có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt.
Phương Liên - Minh Phương