Kỷ niệm 85 năm cuộc đấu tranh lưu huyết tại Ngục Kon Tum

Ngày 12/12, tại Di tích lịch sử Ngục Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum đã tổ chức lễ kỷ niệm 85 năm cuộc đấu tranh lưu huyết tại Ngục Kon Tum (12/12/1931- 12/12/2016).

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh vì độc lập, tự do, vì sự toàn vẹn, thống nhất của Tổ quốc; qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của nhân dân, nhất là thế hệ hôm nay.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh: Với tinh thần và hào khí của các cuộc đấu tranh năm xưa, Đảng bộ cùng toàn dân trong tỉnh nhất định đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển bền vững. Tỉnh Kon Tum củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc; quản lý, khai thác sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Qua 85 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã đạt được những thành quả to lớn, có ý nghĩa quan trọng, tạo được những dấu ấn khá rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh. Kinh tế của Kon Tum duy trì mức tăng bình quân 13,94%/năm; cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, năm 2015 đạt 1.555 USD. Hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Các quốc lộ 24, 14C, đường Hồ Chí Minh đã được đầu tư cơ bản hoàn chỉnh, tỉnh lộ được nâng cấp, hệ thống đường liên xã và giao thông nông thôn cơ bản lưu thông thuận lợi.

Cùng với phát triển kinh tế, công tác xóa đói giảm nghèo được đẩy mạnh, triển khai đồng bộ và đạt kết quả tương đối cao, góp phần ổn định cuộc sống của người nghèo trên địa bàn; chất lượng giáo dục đào tạo được nâng lên, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, truyền thống quý báu của dân tộc được tăng cường, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân và quảng bá hình ảnh địa phương.

85 năm trước, tại Ngục Kon Tum, các chiến sĩ cộng sản bị cầm tù đã tổ chức cuộc đấu tranh lưu huyết để phản đối chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp với 40 người tham gia. Để dập tắt cuộc đấu tranh này, sáng 12/12/1931, cai ngục đã xả súng vào những người tù chính trị khiến 8 người hy sinh tại chỗ và 8 người khác bị thương. Không khuất phục trước sự đàn áp tàn bạo của kẻ thù, những người tù chính trị tiếp tục tổ chức cuộc đấu tranh tuyệt thực kéo dài 5 ngày, từ 12-16/12/1931. Trong hai cuộc đấu tranh này đã có 15 tù chính trị hy sinh.


Mặc dù cuộc đấu tranh lưu huyết và tuyệt thực tại Nhà ngục Kon Tum bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, song kết quả đạt được rất vẻ vang, buộc địch phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của tù chính trị đưa ra; từ bỏ việc bóc lột sức lao động của tù chính trị làm đường 14 và tiến tới hủy bỏ hoàn toàn Nhà ngục Kon Tum vào năm 1934. Cùng với cuộc đấu tranh lưu huyết, tuyệt thực gây tiếng vang lớn với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người, Ngục Kon Tum cũng chính là nơi ra đời cơ sở Đảng đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên vào tháng 9/1930 .



Hồng Điệp (TTXVN)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN