Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII: Quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội

Sáng 22/3, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Quốc hội (QH) đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô. Ảnh: Thái bình –TTXVN


Ða số đại biểu QH tán thành với dự thảo nên có sự tham gia của Viện Kiểm sát (VKS) trong tố tụng dân sự, tuy nhiên việc tham gia ở mức nào, tham gia đến đâu là vấn đề cần làm rõ. Theo UBTVQH, kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhằm bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước... Tuy nhiên, do tính chất của phiên tòa, phiên họp có khác nhau nên không thể quy định trách nhiệm của kiểm sát viên khi tham gia tại mỗi giai đoạn như nhau. Do đó, dự thảo đã được chỉnh lý để vừa bảo đảm điều kiện để VKS thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong tố tụng dân sự, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự phù hợp với từng giai đoạn tố tụng.

Theo đại biểu Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa), cần khôi phục lại quy định VKS tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ có hiệu quả, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể và lợi ích của công dân. Ðại biểu cho rằng: Dân sự là việc của đôi bên nhưng việc tự định đoạt của đôi bên hoặc khi đôi bên không tự thỏa thuận được mà phải do tòa án giải quyết thì phải đúng với đường lối, chính sách và pháp luật, phù hợp với phong tục, truyền thống và đạo đức xã hội. Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), sự tham gia của đại diện VKS vào các phiên tòa là cần thiết bởi án dân sự rất phức tạp. Đại biểu cho rằng cần quy định bắt buộc có sự tham gia của VKS để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Các đại biểu Hà Công Long (Gia Lai), Trần Thế Vượng (Hải Dương) đề nghị cần làm rõ: VKS tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp của tòa án hay không, hay chỉ những việc khi xét thấy cần thiết. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Ðào (TP Hà Nội) nhấn mạnh, về lý thuyết, “việc dân sự cốt ở hai bên” nhưng khi đã tố tụng, dứt khoát không thể thiếu sự can dự của Nhà nước. Do đó, đại biểu tán thành sự can dự của VKS với tư cách là cơ quan giữ quyền công tố và phải làm rõ việc can dự ấy không làm tổn hại đến lợi ích của nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên đầu chứ không phải đặt mục tiêu là xem xét hoạt động của tòa án.

Đại biểu Quốc hội Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu. Ảnh: Thống Nhất –TTXVN


Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng dự thảo đưa ra quan điểm dung hòa quy định sự tham gia của VKS trong tố tụng dân sự là chưa phù hợp với nguyên tắc cơ bản “việc dân sự cốt ở đôi bên”, tức là nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên đương sự; làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một bên đương sự. Mặt khác, tiếng nói của VKS là tiếng nói của Nhà nước chứ không phải hai bên đương sự. Ðại biểu ủng hộ việc giữ lại quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành là VKS tham gia phiên tòa đối với các vụ án dân sự do tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự khiếu nại.

Theo Viện trưởng Viện KSNDTC Trần Quốc Vượng, đúng là “việc dân sự cốt ở hai bên” nhưng cũng phải tuân theo pháp luật, đường lối chính sách và truyền thống pháp lý của dân tộc và quan trọng hơn cả là phải “cốt ở yên dân”, nếu còn để dân kêu nhiều tức dân chưa yên tâm thì phải có một cơ chế, có một cơ quan được Quốc hội giao cho trách nhiệm là kiểm soát hoạt động tư pháp. Ông Trần Quốc Vượng cho rằng, không nên đưa vào một cơ chế tùy nghi, mà nên đưa một cơ chế bắt buộc, VKS sẽ phải thực hiện tất cả các vụ án dân sự. Ðây là việc lớn, việc phải quyết tâm làm vì trách nhiệm của ngành trước Quốc hội, trước nhân dân.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc bổ sung quy định về sự tham gia của VKS trong tố tụng dân sự xuất phát từ nguyên tắc VKS thực hành chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp mà kiểm sát hoạt động tư pháp là nhằm mục đích để bảo vệ pháp luật, để bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền, lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Mặt khác, số lượng luật sư chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác tố tụng và nhiều người dân cũng chưa có điều kiện về mặt tài chính mời luật sư tham gia để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước tòa. Thực tiễn cho thấy thiếu vai trò của VKS sẽ không đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của các bên; tuy nhiên cần có sự phân biệt về mức độ tham gia ở mỗi giai đoạn tố tụng.

Xây dựng luật để phát triển Thủ đô xứng tầm

Chiều 22/3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô.

Qua thảo luận, về cơ bản các ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước. Nhiều ý kiến cho rằng, tuy Hà Nội cũng là đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng với vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước thì Hà Nội có những đặc thù nhất định. Vì vậy, Hà Nội cần phải được bảo đảm tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, dịch vụ; bảo đảm vững chắc về quốc phòng, an ninh để làm tròn chức năng, nhiệm vụ của Thủ đô. Đa số các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội để có thể khai thác hiệu quả tiềm năng, phát huy thế mạnh nhằm xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô xứng đáng là bộ mặt của cả nước.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nhất trí với quan điểm Hà Nội cần có những cơ chế đặc thù nhưng băn khoăn liệu việc đặt ra những cơ chế đó có làm mất đi tính thống nhất của hệ thống pháp luật hay không và đề nghị thảo luận làm rõ vấn đề này. Tán thành với việc cho phép HĐND ban hành một số cơ chế chính sách, ông Đào đề xuất, cần ghi thêm quy định mọi chính sách mà HĐND đề ra không được trái với quy định của pháp luật, tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Xung quanh nội dung quản lý dân cư tại Điều 22, đại biểu Đào cho rằng, cần xác định như thế nào là "có việc làm hợp pháp" để được đăng ký thường trú tại nội thành. Thảo luận về Điều 12: Quản lý quy hoạch Thủ đô tại Khoản 4 có quy định khi lập quy hoạch chi tiết trục đường giao thông quan trọng, phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư thông qua lấy ý kiến của HĐND thành phố, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) thấy rằng quy định như vậy ảnh hưởng tới quyền công dân và đề nghị đối với nội dung này cần xem xét lấy ý kiến trực tiếp người dân, sẽ thỏa đáng hơn.

Về cơ chế, chính sách để bảo đảm an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô (Điều 23), trong dự thảo Luật đưa ra quy định cho phép Hà Nội áp dụng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn mức áp dụng chung với cả nước trong các lĩnh vực: Văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú, đại biểu Đinh Xuân Thảo và một số ý kiến khác bày tỏ sự tán thành. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có quan điểm, Hà Nội cũng như ở một số đô thị lớn khác, trong số các hành vi vi phạm hành chính có những hành vi cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn để bảo đảm trật tự quản lý hành chính. Việc quy định áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn không xâm phạm đến quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân, vì bất kỳ ai khi có hành vi vi phạm pháp luật ở cùng địa điểm thì đều bị xử phạt như nhau. Hơn nữa, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn chỉ nhằm vào một số ít những người có hành vi vi phạm pháp luật và qua đó công tác giáo dục, phòng ngừa chung sẽ tốt hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho rà soát lại và chỉnh lý nội dung này để bảo đảm tính đặc thù và khả thi.

Về vấn đề quản lý dân cư, một số ý kiến đại biểu Quốc hội không tán thành với quy định bổ sung các điều kiện chặt chẽ hơn để được đăng ký cư trú trong nội thành thành phố Hà Nội vì những quy định này không thể giải quyết tận gốc vấn đề quá tải hiện nay; bởi lẽ vấn đề này không phải hoàn toàn do nhân khẩu thường trú, mà chủ yếu do nhu cầu nội tại của chính Hà Nội về nguồn nhân lực là lao động tự do... Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đề xuất giải pháp mở rộng đô thị hoặc thu phí giao thông, môi trường đối với những người tạm trú tại Thủ đô 3 tháng trở lên để điều tiết dân cư..., đồng thời cho rằng, cần có những quy định cụ thể về vùng nông thôn của Thủ đô trong dự Luật...

Quỳnh Hoa- Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN