Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác lưu trữ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế. Dự án Luật đã được chuẩn bị tương đối công phu, các chính sách thể hiện trong dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Tránh tình trạng tự ý hủy tài liệu hết giá trị
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nêu thực tế, lưu trữ lịch sử ở cấp tỉnh hiện nay rất khó khăn trong việc thu thập tài liệu từ các nguồn nộp lưu, thiếu quy định có tính pháp lý đủ mạnh và thiếu chế tài, các cơ quan, tổ chức thường né tránh và không coi trọng nhiệm vụ nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử với nguyên do “sợ thất lạc tài liệu, nộp lưu sẽ khó khăn khi cần tài liệu”.
Đại biểu cho rằng, để tăng cường công tác thu thập, nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử, góp phần bảo quản và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ chung, Ban soạn thảo cần nghiên cứu cứu bổ sung và có chế tài về trách nhiệm phải nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử đối với các cơ quan, đơn vị thuộc nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về tài liệu quá hạn khi nộp lưu theo quy định tại các cơ quan, đơn vị thuộc nguồn nộp lưu.
Hiện nay, việc đầu tư kinh phí cho công tác lưu trữ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Chính phủ đang rất quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Tài liệu lưu trữ đã được xác định có vai trò rất quan trọng, chứa đựng nguồn thông tin về quá khứ, có độ chính xác cao và có giá trị đặc biệt, góp phần vào việc xây dựng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, tài liệu còn tồn đọng, chưa được phân loại, chỉnh lý còn rất nhiều. Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định về nguồn lực đầu tư đối với công tác lưu trữ các cấp, phục vụ cho việc chỉnh lý, số hóa phần mềm, trang thiết bị bảo quản tài liệu, kho lưu trữ.
Đề cập đến quy định về hủy tài liệu hết giá trị (Điều 15), đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị nên bỏ điểm d, khoản 2, Điều 15 về tài liệu lưu trữ bị hư hỏng nặng, không có khả năng phục hồi, bởi nội dung này còn quy định khá chung chung, và các cơ quan, tổ chức có thể dựa vào nội dung này để tiêu hủy, có nguy cơ làm mất tài liệu có giá trị.
Nếu vẫn giữ quy định này, cần bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong việc quy định chi tiết về thẩm quyền, quy trình, thủ tục hủy tài liệu hết giá trị tại cơ quan, tổ chức và lưu trữ lịch sử, do hiện nay, tình trạng tự ý hủy tài liệu hết giá trị, quy trình tổ chức tiêu hủy tài liệu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân vẫn còn thiếu sót các khâu, chưa có sự thống nhất.
Thúc đẩy lưu trữ tư
Để đảm bảo tính phù hợp, thuận lợi trong tổ chức thực hiện, tránh chồng chéo, xung đột, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự luật để đảm bảo tính thống nhất với các luật liên quan như Luật Di sản văn hóa, Luật Tiếp cận thông tin và một số dự án luật khác như Luật Kế toán, Luật Công chứng… Quan tâm đến hoạt động lưu trữ tư, các tổ chức, cá nhân cùng với Nhà nước sẽ thực hiện lưu trữ nhằm phát huy giá trị tài liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu đề nghị rà soát trong quy định để đảm bảo khuyến khích lưu trữ tư. Theo đại biểu, quản lý nhà nước về lưu trữ tư cũng phải có đặc thù hơn so với lưu trữ công.
Điều 45 quy định Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ, cần bổ sung một số quy định theo hướng khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ tư. Trong một số trường hợp, có thể hỗ trợ về tài chính đối với các đơn vị lưu trữ tư để tạo điều kiện cho các đơn vị phát huy được tính chủ động đối với những nguồn tài liệu quý giá. Đồng thời, khuyến khích các lưu trữ tư tham gia cùng Nhà nước thực hiện hoạt động lưu trữ, huy động tối đa các tài liệu từ các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong lưu trữ tài liệu quý giá một cách đầy đủ.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, cần quy định rõ hơn về thủ tục đăng ký, ký gửi, hiến tặng, mua bán tài liệu lưu trữ, có cơ chế khen thưởng, động viên kịp thời đối với cá nhân, tổ chức trong hiến tặng tài liệu lưu trữ cho Nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện.
“Nhà nước có những chính sách, hành lang pháp lý đặc thù để làm sao khuyến khích được tối đa hoạt động của lưu trữ tư. Bởi vì nếu chúng ta có những quy định quá cứng, trong quá trình phối hợp với Nhà nước để phát huy hiệu quả giá trị của lưu trữ tư sẽ bị ảnh hưởng”, đại biểu nhấn mạnh và chỉ ra rằng, có như vậy, lưu trữ mới đạt được chất lượng, phát huy tối đa giá trị của các nguồn dữ liệu.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, Luật Lưu trữ là luật chuyên ngành, nhưng có ý nghĩa chính trị, lịch sử, khoa học, văn hóa rất rõ. Tài liệu lưu trữ là tài sản quốc gia, không những thế, nó còn là tài nguyên rất phong phú, đa dạng về thông tin để phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
“Đây là lần sửa toàn diện nhất đối với luật này. Chúng tôi cân nhắc suy nghĩ, lựa chọn rất kỹ lưỡng để làm sao đảm bảo được chất lượng tốt nhất. Luật này liên thông với rất nhiều luật, cho nên phải rà soát để làm sao đảm bảo đồng bộ, thống nhất, liên thông và không bị chồng chéo, không bị xung đột lẫn nhau”, Bộ trưởng Nội vụ cho hay.
Theo Bộ trưởng, cơ quan soạn thảo quan tâm sửa đổi các quy định để thúc đẩy chuyển đổi số đối với hoạt động lưu trữ, thúc đẩy xã hội hóa với mục tiêu xây dựng “một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ”, thúc đẩy lưu trữ tư.
Trước đây, quan niệm lưu trữ chủ yếu là để bảo quản, nhưng giờ đây, sứ mệnh của tài liệu lưu trữ là phải làm sao phát huy được giá trị tài liệu, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Đây là một vấn đề rất mới, trong thiết kế dự thảo Luật rất chú trọng.
Để đảm bảo được yêu cầu về mặt nguyên tắc này, cần phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm rất rõ, để tất cả hệ thống chính trị đều phải thực hiện công tác lưu trữ và thông qua đó phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.