Đại biểu Quốc hội đánh giá khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm 2024

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 xác định 15 chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700-4.730 USD… Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã ghi nhận ý kiến của các đại biểu về nội dung này.

Mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% là khả thi

Theo đại biểu Trần Văn Lâm, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5% là khả thi, vì xét từ 3 trụ cột tăng trưởng: Xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng đều rất khả quan. 

“Với trụ cột đầu tiên, xuất khẩu trong thời gian qua bị kìm hãm nhưng cuối năm đã phục hồi rất tốt, triển vọng. Trong thời gian tới, nhu cầu thị trường thế giới tăng, khả năng phục hồi của xuất khẩu là rõ nét. Cùng với đó, nhu cầu của thị trường trong nước cũng có nhiều yếu tố để phục hồi. Đặc biệt, cuối năm nay, đầu năm 2024, khối lượng tiền lớn từ gói hỗ trợ kích cầu từ Nghị quyết 43 được đưa vào nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả, tác động lên thị trường lớn”, đại biểu Trần Văn Lâm nêu quan điểm.

Đại biểu chỉ rõ, một trong những yếu tố để tin tưởng đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% là sang năm 2024, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tiền lương, điều đó cũng tạo sức cầu lớn, do đó, nền kinh tế có cơ sở tăng mạnh hơn năm nay.

Cũng theo đại biểu, hiện nay Việt Nam vẫn tiếp tục giữ đà đầu tư. “Như vậy, trên cả 3 yếu tố thì việc đặt mục tiêu 6 - 6,5% tăng trưởng là hoàn toàn khả thi, có cơ sở. Nếu như không có những yếu tố tác động ngược chiều, đột biến thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí có thể vượt được mục tiêu”, đại biểu Trần Văn Lâm tin tưởng.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, hiện nay có đủ các điều kiện tiền đề, cả yếu tố tác động bên ngoài và yếu tố nội lực bên trong và những sự thay đổi cơ cấu thể chế để kỳ vọng năm 2024 chúng ta đạt được tốc độ tăng cao.

Thực thi đồng bộ 12 giải pháp để đạt được mục tiêu

Chú thích ảnh
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) trao đổi với phóng viên.

Để đạt được mục tiêu tăng GDP khoảng 6 - 6,5%, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Việt Nam cần phải nỗ lực rất cao để chớp được cơ hội. Trước hết, cần rất quyết liệt giải những nút thắt về thể chế để khơi thông nguồn lực thì mới có thể nắm bắt nhanh những cơ hội mới.

“Nếu chúng ta không có những phản ứng, tiếp nhận kịp thời thì các nhà đầu tư có thể đi đầu tư ở nơi khác. Cùng với đó, có cơ chế thể chế tốt thì chúng ta mới khơi thông được nguồn lực đầu tư công”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Cùng với đó, cũng phải tiếp tục tăng thêm các chính sách mới, tiếp tục hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp và tiêu dùng, chẳng hạn chính sách thuế giá trị gia tăng, tiếp tục giãn hoãn và cần tiếp tục các chính sách hỗ trợ khác gọi là thực hiện chu kỳ tài khóa ngược để cho các doanh nghiệp có điều kiện phục hồi. Có như vậy, tiêu dùng sẽ tăng lên để phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế.

Đồng thời, Việt Nam cũng phải nắm bắt nhanh các cơ hội của thị trường mới, sự thay đổi thị trường để mở rộng thị trường tiêu thụ và tái cấu trúc của doanh nghiệp. 

“Tôi cho rằng, thời kỳ vừa qua, khi thị trường có sự phân bố lại chuỗi cung ứng thì đó chính là cơ hội để cho các doanh nghiệp tái cấu trúc lại, thay đổi công nghệ hoặc các phương thức sản xuất đã lỗi thời, không còn là xu thế như dựa vào thị trường bên ngoài, gia công sản xuất giá trị thấp. Giai đoạn này, chúng ta phải lấy là cơ hội để cải tiến, đổi mới phương thức sản xuất mới. Cùng với đó, cần tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc của các lĩnh vực đầu tư thì sẽ tạo hiệu quả đầu tư mới, tổng thể những yếu tố đó sẽ có cơ hội để đạt được mục tiêu”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Về 12 giải pháp Quốc hội đề ra để đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 6 - 6,5%, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định, các giải pháp được nêu ra rất toàn diện, đầy đủ. Tuy nhiên, theo đại biểu, nút thắt lớn nhất của Việt Nam hiện nay vẫn là vấn đề liên quan đến thể chế, Chính phủ thì khá quyết liệt trong chuyện giải quyết về thể chế nhưng có chuyển động thực sự thì đấy cũng là một vấn đề.

“Hiện nay vẫn có tình trạng văn bản pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tế. Mặc dù quá trình thực thi, biết là cái này là mâu thuẫn và không phù hợp nhưng người cán bộ, quản lý không thể làm khác được, vẫn phải tuân thủ điều đó, không dám làm khác đi, không dám nhìn vào yêu cầu thực tế để đáp ứng mà áp dụng máy móc quy định, không đáp ứng được yêu cầu. Như vậy thì rất cần phải tháo gỡ thể chế này ở mức cao hơn, thống nhất hơn”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét.

Còn đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, 12 giải pháp đưa ra tại Nghị quyết là 12 giải pháp tổng thể và căn cơ, rất toàn diện, đầy đủ các yếu tố. Theo đại biểu, vấn đề chính là cần thực thi đồng bộ để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội đã đặt ra và Quốc hội giao cho Chính phủ. 

“Vấn đề bây giờ là tổ chức thực hiện, làm thế nào để đạt mục tiêu đó. Đó là trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ được giao và đặt ra. Có lẽ Chính phủ cần tăng cường vai trò kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn để thúc đẩy thực hiện, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của các cấp các ngành, người đứng đầu, tăng cường phân cấp phân quyền để giao nhiệm vụ cho cấp dưới chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Đặc biệt, chú trọng huy động sự tham gia của tổ chức chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng trong đôn đốc hệ thống chính quyền, sự giám sát, kiểm tra của đoàn thể nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu”, đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị.

Đánh giá về giải ngân đầu tư công, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, đầu tư công trong thời gian vừa qua mặc dù chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng đã thể hiện một nỗ lực cố gắng rất lớn của Chính phủ trong năm nay. Vì năm nay ngoài các yếu tố thời tiết bất thường thì khối lượng giải ngân rất lớn, nguồn vốn đầu tư công, nhiệm vụ giải ngân trong năm nay là rất nhiều.

“Theo kế hoạch trung hạn cộng với nguồn vốn theo chương trình phục hồi kinh tế, dành cho đầu tư xây dựng cơ bản cũng tập trung một phần rất lớn trong năm nay. Tổng cộng lại năm nay hơn 700.000 tỷ đồng đầu tư công, gấp rưỡi cùng kỳ năm trước nên khối lượng rất lớn mà Quốc hội vẫn đảm bảo được tỷ lệ giải ngân như mọi năm thì đã là một thành công. Chưa nói đến thời điểm hiện nay tiến độ giải ngân tốt hơn so với năm trước, như vậy thì kết quả đó là tích cực, đáng ghi nhận”, đại biểu Trần Văn Lâm đánh giá.

Trước đó, ngày 9/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 447 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 90,49 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 xác định rõ các chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gồm 15 chỉ tiêu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.

Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 4.730 USD; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4 - 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%; Dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng khoảng 5%; bội chi NSNN dưới 4% GDP.

Trong báo cáo dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ xác định mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Khi báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,0-6,5% là khá cao, chỉ nên để ở mức thấp hơn (khoảng từ 5-6%). Giải trình về vấn đề này, ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Trong đó, 3 động lực tăng trưởng về đầu tư (tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đang được đẩy nhanh đưa vào khai thác.

Thu Trang/Báo Tin tức
Bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, các đại biểu thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Buổi chiều, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN