Cụ thể, mưa lớn đã làm công trình nhà lưu trú Huyện ủy Tu Mơ Rông bị sụp móng chân tường sâu khoảng 2 m, dài khoảng 9 m; khoảng 9 m tường rào và mương thoát nước bê tông sát chân tường rào đổ sụp hoàn toàn. Bên cạnh đó, sét đã làm hư hỏng nhiều thiết bị chuyên dụng, máy tính, chảo thu tín hiệu,… tại Trung tâm Truyền dẫn phát sóng và Trung tâm sản xuất chương trình, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Kon Tum.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum, mưa lớn đã gây sạt lở, hư hỏng 76 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên thôn, liên xã. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là tuyến đường Sa Thầy - Yaly - thôn Tam An (xã Sa Sơn) - Ya Mô - Làng Rẽ (xã Mô Rai) với 41 vị trí bị sạt lở, xói mòn, đất tràn mặt đường. Sở Giao thông vận tải đã nhanh chóng cử lực lượng, máy móc đến các vị trí hư hỏng, triển khai công tác khắc phục. Đến nay, cơ bản các vị trí hư hỏng đã được thông suốt.
Huyện Tu Mơ Rông là địa phương thường xuyên gánh chịu thiệt hại do mưa, lũ. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện, ngoài các công trình bị hư hỏng, mưa lớn đã làm sạt lở 6 điểm giao thông của 4 tuyến đường tại các xã Văn Xuôi, Đăk Hà, Tê Xăng; tổng thiệt hại ước tính gần 900 triệu đồng. Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông đã triển khai các giải pháp khắc phục; trong đó tập trung cắm các biển báo, biển chỉ dẫn tại các khu vực sạt lở để người và phương tiện qua lại chú ý, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Để triển khai quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 2472/UBND-NNTN gửi các địa phương và các sở, ban ngành có liên quan. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Kon Tum, nhất là các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, mưa lũ, bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất,… cảnh báo, dự báo, thông tin kịp thời tới các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh đó, các địa phương và các sở, ban ngành có liên quan cần chủ động các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt khi có mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất; rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của đơn vị, địa phương mình theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Đồng thời, các đơn vị tiếp tục triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, các khu dân cư ven sông, suối nhỏ, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có thiên tai.