Kiện toàn chính quyền địa phương 2 cấp gắn với chuyển đổi số

Từ ngày 1/7 đến nay, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là bước đi quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng mô hình chính quyền đô thị tinh gọn, hiện đại vì nhân dân phục vụ.

Chú thích ảnh
Điểm phục vụ hành chính công phường Kim Liên, thành phố Hà Nội.

Bước đầu có chuyển biến tích cực

Sự thay đổi mô hình này không chỉ đơn thuần là tinh gọn bộ máy mà còn thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành. Thủ đô Hà Nội là địa phương có quy mô dân số, diện tích lớn, tính chất đô thị hóa cao. Vì vậy, việc áp dụng chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và tổ chức lại chính quyền phù hợp với thực tiễn là điều cần thiết.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch cụ thể triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Việc kiện toàn bộ máy, phân công lại chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp, đào tạo cán bộ, rà soát nhân sự, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin… đều được thực hiện bài bản.

Sau hai tuần thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thành phố Hà Nội đã ghi nhận những chuyển biến tích cực bước đầu. Bộ máy hành chính tại 126 phường, xã được tổ chức lại theo hướng tinh gọn, rõ trách nhiệm, giảm chồng chéo trong xử lý công việc. Người dân đánh giá cao việc thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn hơn, tiết kiệm thời gian và công sức của người dân. Cùng với đó, nhiều phản ánh từ cơ sở được tiếp nhận và xử lý kịp thời nhờ ứng dụng chuyển đổi số.

Đặc biệt, vai trò chủ động của chính quyền cấp phường, xã được phát huy hiệu quả rõ rệt, thể hiện ở sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành cũng như việc tiếp cận và hỗ trợ người dân sát sao hơn. Những tín hiệu tích cực này cho thấy, chủ trương kiện toàn chính quyền hai cấp ở Thủ đô Hà Nội đang đi đúng hướng, tạo tiền đề cho một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn.

Chú thích ảnh
Cán bộ công chức Trung tâm hành chính công phường Kim Liên, thành phố Hà Nội, tiếp công dân.

Tại phường Kim Liên (quận Đống Đa cũ), thành phố Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tình - một người dân sống trên địa bàn phường chia sẻ: “Tôi thấy thủ tục nhanh hơn trước. Cán bộ phường xử lý hồ sơ rõ ràng. Trước đây, để làm thủ tục hộ khẩu, tôi phải đến phường nộp hồ sơ giấy, chờ cán bộ kiểm tra, xử lý. Hiện nay, với hệ thống điện tử, tôi có thể nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu tiến độ giải quyết, nhận kết quả qua mạng hoặc đến nhận tại bộ phận một cửa. Điều này giúp tiết kiệm thời gian cho cả tôi và cán bộ phường”.

Tại phường Vĩnh Tuy, Chủ tịch UBND phường Vũ Văn Hoạt cho biết: “Việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp không làm giảm vai trò giám sát mà còn tăng hiệu quả điều hành. Các quyết sách không còn bị phân tán nhiều cấp, thay vào đó là sự thống nhất và tập trung hơn”.

Ở cấp xã, người dân cũng bắt đầu nhận thấy sự thay đổi. Tại xã Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn cũ), ông Ngô Văn Tuấn - một người dân làm nghề sản xuất bún bánh nhận xét: Trước đây, muốn xin giấy xác nhận giấy tờ gì, đôi khi ông phải chờ HĐND xã họp. Hiện nay, ông chỉ cần đến UBND xã sẽ được cán bộ tiếp nhận và xử lý ngay. Mọi việc nhanh hơn, rõ ràng hơn, dân không phải đi lại nhiều lần.

Đồng quan điểm, bà Đàm Thị Uyên - tiểu thương tại chợ Nỷ, xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn cũ) cho biết, bà thấy cán bộ xã nhiệt tình hơn, giấy tờ làm nhanh hơn. Nếu có thắc mắc về thủ tục thuế hay vệ sinh an toàn thực phẩm thì cũng được cán bộ hướng dẫn cụ thể.

Kiện toàn bộ máy gắn với chuyển đổi số 

Chú thích ảnh
Cán bộ công chức tại điểm phục vụ hành chính công xã Yên Bài, thành phố Hà Nội, tiếp công dân.

Một trong những điểm nổi bật trong quá trình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là việc thành phố Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Tất cả 100% xã, phường, đã sử dụng phần mềm quản lý một cửa điện tử, kết nối với hệ thống dịch vụ công thành phố và quốc gia.

Theo anh Lê Quang Huy, cư trú tại phố Vũ Trọng Phụng, phường Thanh Xuân (quận Thanh Xuân cũ nhận xét: “Tôi nhận thấy việc tra cứu thủ tục, đặt lịch hẹn online trên cổng dịch vụ công của phường giờ tiện hơn trước. Trước kia, tôi hay phải nghỉ làm để lên phường xin giấy tờ, giờ làm online được gần hết, chỉ cần đến xác nhận là xong.”

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nhận định, chính quyền địa phương 2 cấp sẽ giúp thành phố kiểm soát hiệu quả dữ liệu; từ đó phân tích, đánh giá chính sách công chính xác hơn. Việc kết nối liên thông dữ liệu giữa cấp phường, xã với cấp thành phố qua nền tảng số sẽ giảm thiểu sai sót và tăng tính minh bạch.

Thực tế cho thấy, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình mới còn gặp một số khó khăn. Các chuyên gia nhận định, phần lớn cán bộ cấp xã, phường đã đáp ứng yêu cầu công việc của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đặc biệt tại các địa phương có điều kiện tốt. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ còn hạn chế về kỹ năng quản lý, kiến thức chuyên môn và ứng dụng công nghệ thông tin, ý thức phục vụ nhân dân.

Để đạt mục tiêu nâng cao năng lực và tinh thần trách nhiệm của cán bộ cấp xã, phường đáp ứng được yêu cầu công việc mới, nhiều chuyên gia đề xuất cần các giải pháp cụ thể như: Đào tạo chuyên sâu theo nhu cầu thực tiễn, tổ chức các khóa học ngắn hạn, tập trung vào quản lý hành chính, giải quyết tranh chấp và sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp các buổi tập huấn về đạo đức công vụ, nhấn mạnh vai trò "vì nhân dân phục vụ" với các tình huống thực tế từ địa phương.

Bên cạnh đó, về ứng dụng công nghệ số, địa phương cần trang bị phần mềm quản lý hành chính điện tử hướng dẫn sử dụng tại chỗ cho cán bộ, công chức để tăng hiệu quả công việc và minh bạch hóa quy trình. Cùng với đó, chính quyền địa phương có cơ chế đánh giá gắn với người dân, thiết lập hệ thống đánh giá dựa trên khảo sát mức độ hài lòng của dân, kết hợp khen thưởng công bằng để khuyến khích tinh thần trách nhiệm.

Chính quyền địa phương cũng tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp hoặc trực tuyến qua ứng dụng như Zalo, giúp cán bộ nắm bắt nhu cầu người dân và tình hình thực tiễn tại cơ sở; hỗ trợ vùng khó khăn, ưu tiên đầu tư máy tính, internet và tài liệu hướng dẫn cho các xã vùng sâu, vùng xa để đảm bảo điều kiện làm việc. Chính quyền địa phương có chính sách cụ thể như tăng lương, hỗ trợ nhà ở, phương tiện đi lại trong khi sắp xếp, sáp nhập… nhằm tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức.

Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ xã, phường về kỹ năng hành chính, pháp luật, công nghệ thông tin và nghiệp vụ chuyên môn. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: Không thể có chính quyền phục vụ nếu không có cán bộ chuyên nghiệp. Thành phố sẽ tiếp tục đào tạo, sắp xếp lại bộ máy và đánh giá cán bộ theo kết quả công việc.

Chú thích ảnh
Người dân đến trung tâm hành chính công phường Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội làm thủ tục.

Có thể thấy, kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, gắn với chuyển đổi số là giải pháp toàn diện để chính quyền cấp cơ sở chuyển từ mô hình “quản lý” sang “phục vụ”. Trong đó, người dân được đặt ở vị trí trung tâm với các dịch vụ công khai, minh bạch, nhanh gọn. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng nền hành chính hiện đại, hướng tới mục tiêu cuối cùng là phát triển chính quyền địa phương 2 cấp vững mạnh, gần dân, sát dân và vì dân.

Ông Nguyễn Long Điệp, cán bộ tư pháp tại điểm hành chính công xã Yên Bài (huyện Ba Vì cũ) cho biết: “Chúng tôi giờ đây chịu trách nhiệm trực tiếp với cấp trên, mọi quyết định phải minh bạch, đúng quy trình. Mô hình mới khiến cán bộ phải nâng cao năng lực, không dám chủ quan”.

Việc thành phố Hà Nội triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp là một bước ngoặt lớn trong cải cách hành chính và tổ chức bộ máy nhà nước. Dù còn những khó khăn ban đầu, song với quyết tâm chính trị, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng thuận từ cơ sở, mô hình mới đang tạo ra những chuyển biến tích cực, hướng tới một nền hành chính công hiện đại, công khai, minh bạch và phục vụ tốt hơn cho người dân Thủ đô.

Bài và ảnh: Quốc Lũy ( TTXVN)
Cử tri quan tâm nhiều đến hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp
Cử tri quan tâm nhiều đến hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp

Ngày 14/7, tại phường Hoa Lư, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tổ chức tiếp xúc cử tri nhiều địa phương trong tỉnh sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN