Chống dịch như “chống giặc”
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như "chống giặc", kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh, kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra đang lây nhiễm rất nhanh, nghiêm trọng và đã ở mức rất cao tại Trung Quốc. Tổ chức y tế thế giới đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Việt Nam có nguy cơ rất cao bùng phát dịch lớn do có đường biên giới dài với Trung Quốc, lưu lượng người qua lại, giao thương lớn, khách du lịch, lao động Việt Nam làm việc tại Trung Quốc và lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam đông.
Các bộ, ban, ngành, địa phương đã chủ động, có nhiều biện pháp mạnh, quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Bộ Y tế đã thành lập 25 đội phản ứng nhanh, Bộ Quốc phòng đã thành lập 20 đội và đã thực hiện kết nối trực tuyến 21 bệnh viện với Bộ Y tế để thống nhất chỉ đạo, phối hợp trong chuyên môn kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo 4 bệnh viện tuyến quân đội Trung ương trong việc sẵn sàng hỗ trợ, tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và đang kiểm soát tốt tình hình. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, tinh thần và nhận thức phòng, chống dịch bệnh này chưa cao, chưa có kế hoạch, phương án, biện pháp cụ thể, chủ động ứng phó với dịch bệnh.
Trước diễn biến xấu, phức tạp ngày càng gia tăng của dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các bộ, ngành, UBND các địa phương, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm, quyết liệt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/1/2020, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 và chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 79-CV/TW ngày 30/1/2020; kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân, hạn chế thấp nhất tử vong; phải chủ động, bình tĩnh, xử lý kiên quyết hơn nữa và phải có phương án, kế hoạch cụ thể để kiểm soát tốt nhất dịch bệnh này theo phương châm 4 tại chỗ, không để lan rộng.
Các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cần lập kênh liên lạc với các cấp địa phương tương ứng của bạn để nắm thông tin cập nhật hàng ngày và có biện pháp chủ động xử lý kịp thời theo diễn biến của dịch bệnh.
Tạm dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại trừ trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Tạm dừng việc cấp thị thực du lịch cho khách nước ngoài (bao gồm cả khách Trung Quốc) đang hoặc đã từng ở Trung Quốc trong 2 tuần qua, trừ thị thực công vụ trong trường hợp đặc biệt.
Dừng việc xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành biên giới với mục đích du lịch. Cấm việc đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Hạn chế tập trung đông người, nhất là tại các lễ hội; tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; giảm quy mô các lễ hội đã tổ chức; yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế du xuân, tham gia lễ hội...
Ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 173/QĐ-TTg “Công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam”. Theo đó, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra xảy ra từ ngày 23/1 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của virus Corona gây ra). Địa điểm và quy mô xảy ra dịch xảy ra tại Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa (đã có 6 trường hợp mắc bệnh). Nguyên nhân xảy ra dịch do chủng mới của virus Corona gây ra. Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu, lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2020), trên cả nước đã có nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng sự kiện quan trọng này.
Với chủ đề "Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh", cuộc tọa đàm được Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Báo Quân đội nhân dân và Tạp chí Quốc phòng toàn dân phối hợp tổ chức nhằm ôn lại chặng đường vẻ vang của Đảng và dân tộc; khẳng định sự ra đời của Đảng là tất yếu, khách quan; chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền sâu rộng về quá trình ra đời, xây dựng, trưởng thành, những thành tựu vĩ đại cũng như vị trí, vai trò to lớn của Đảng.
Theo Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cuộc tọa đàm đã khẳng định tính tất yếu, khách quan, sự ra đời và sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng. Làm rõ quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các chặng đường lịch sử; nêu bật những thành tựu trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; qua đó khẳng định vai trò của Đảng, đúc rút một số kinh nghiệm từ thực tiễn 90 năm lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam...
Cũng trong dịp này, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, tọa đàm, triển lãm… đã được các địa phương tổ chức long trọng.
Đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết
Cán bộ, công chức, viên chức tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, nhất là những công việc tồn đọng do nghỉ Tết. Không tổ chức liên hoan, chúc Tết ảnh hưởng đến công việc và thời giờ làm việc. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính. Không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.
Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công...
Đây cũng là tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Công điện 122a/CĐ-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt, triển khai ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết.
Trong đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khẩn trương nghiêm túc triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các chỉ tiêu thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, phấn đấu đạt kết quả tốt hơn năm 2019.
Các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc quyết liệt với tinh thần có trách nhiệm cao, tuyệt đối không được chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Y tế chịu trách nhiệm đầu mối kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.
Ban Chỉ đạo quốc gia, các Ban Chỉ đạo địa phương tập trung chỉ đạo, chủ động kịch bản, phương án ứng phó; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tập trung làm tốt công tác thông tin truyền thông; xử lý kịp thời các vấn đề cấp bách phát sinh; báo cáo kịp thời, hàng ngày đến Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.