Thăm hỏi, hỗ trợ quà cho người dân vùng lũ Quảng Ngãi. Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN |
Tại cuộc họp, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng.
Tổng hợp, đánh giá thiệt hại; vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh; rà soát để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhất là tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.
Tổng cục Thủy lợi theo dõi chặt chẽ lượng nước về các hồ chứa, tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát lại thực trạng và có phương án đảm bảo an toàn đối với các hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp; vận hành các hồ chứa phù hợp quy trình đảm bảo an toàn công trình, hạn chế ngập lụt cho hạ du, đặc biệt tại lưu vực sông Hương, Vu Gia - Thu Bồn nơi đang diễn ra các hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC; đồng thời, khẩn trương khắc phục sự cố các hồ chứa tại Bình Định và Khánh Hòa.
Các đơn vị trực thuộc Tổng cục phòng chống thiên tai thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp với các địa phương (đặc biệt là các tỉnh bị thiệt hại nặng nề bởi bão lũ) khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, tổ chức Unicef chọn địa phương để thực hiện tuyên truyền nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức nhân dân về kỹ năng, phương pháp... đối với việc chủ động phòng tránh, ứng phó với thiên tai trong thời gian sớm nhất.
Các tỉnh, thành phố cũng chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, phân luồng giao thông, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ứng phó với nước lũ; khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông đường bộ, đường sắt.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thiệt hại do ngập lụt tại các tỉnh, thành phố khá nghiêm trọng. Hiện nay tại tỉnh Quảng Trị có 764 nhà bị ngập từ 0,3-1,0m, một số nơi ngập sâu từ 1,0-2,0m. Đến chiều tối 7/11, tại các huyện Triệu Phong, Đakrông, Hướng Hóa, thị xã Quảng Trị nước đã rút; riêng địa bàn huyện Hải Lăng vẫn còn bị ngập từ 0,2-0,4m.
Tỉnh Thừa Thiên Huế có 70.249 nhà bị ngập từ 0,2-0,8m, hiện nước đang rút, các tuyến đường chính tại thành phố Huế đã hết ngập, địa phương đang rà soát, cập nhật số liệu.
Thành phố Đà Nẵng có 11.520 nhà bị ngập nhưng đến nay nước đã rút, không còn ngập nhà, chỉ ngập cục bộ một số đoạn đường; riêng huyện Hòa Vang vẫn còn ngập diện rộng, nước rút chậm.
Tỉnh Quảng Nam có 4.814 nhà bị ngập sâu trung bình từ 0,5-1,0m, sâu nhất là 1,5m. Hiện nước đang rút, còn khoảng 724 hộ dân còn bị ảnh hưởng, trong đó một số khu vực thuộc thành phố Hội An nước còn ngập từ 10-20 cm.
Tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Phú Yên có số lượng nhà ngập nhiều nhưng đến nay, nước cơ bản đã rút hết.
Tỉnh Bình Định có 12 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố bị ngập sâu từ 0,5-1,0m. Đến 16 giờ ngày 7/11, còn 2.100 hộ dân thuộc 5 xã của 2 huyện Phù Cát và Tuy Phước bị ngập.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương cho biết: Tính đến 7 giờ ngày 8/11, có 46 hồ xả qua tràn, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Bắc Bộ giảm, các hồ vận hành bình thường.
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến 7 giờ ngày 8/11, một số hồ chứa đang vận hành xả lũ lưu lượng lớn.
Theo báo cáo của các địa phương và các Bộ, ngành, tình hình thiệt hại do bão số 12 và mưa lũ tính đến 7 giờ ngày 8/11, bão số 12 và mưa lũ đã làm 82 người chết; 26 người mất tích; 1.486 nhà sập đổ; 119.361 nhà tốc mái, hư hỏng; 9.350 ha lúa, 15.203 ha rau, hoa màu bị ngập, thiệt hại; 25.957 lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại.
Đối với sự cố vỡ tràn xả lũ hồ Nước Rôn, xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, vết vỡ đã bị xói đến nền đá gốc ở cao trình (+101) m và mực nước đã hạ xuống cao trình xói làm 250 hộ dân phải đi sơ tán đến nay đã trở về nhà. Các hồ tại tỉnh Bình Định như Cự Lễ, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn bị sập đuôi tràn do lưu lượng qua tràn quá lớn; hiện phương tiện cơ giới không vào được để khắc phục, địa phương đang tổ chức theo dõi chặt chẽ; hồ Mỹ Đức, xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân bị xói lở mặt tràn, hiện địa phương đã gia cố khắc phục, tạm thời ổn định. Hồ Đá Bàn và Tiên Du thuộc tỉnh Khánh Hòa bị sạt lở mái thượng lưu đập hiện đang được địa phương tiếp tục triển khai phương án khắc phục để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ và sẽ sửa chữa triệt để sau khi mùa mưa lũ kết thúc.
Từng bước cấp điện và thông xe trở lại Theo Văn phòng thường trực phòng chống thiên tai Bộ Công thương, tính đến 6 giờ ngày 8/11 tỉnh Khánh Hòa còn 1 trạm biến áp 110kV Ninh Thủy và 2 trạm biến áp 110 kV của khách hàng (Huyndai Vinashin, Dệt Nha Trang Khánh Hòa) chưa khôi phục được.
Công nhân Điện lực Phú Yên khắc phục hậu quả sau cơn bão số 12. Ảnh: Thế Lập/TTXVN |
Về lưới điện trung, hạ thế, tỉnh Phú Yên đã khôi phục 77,8/87,6 MW, chiếm 89% công suất tải toàn tỉnh; tỉnh Khánh Hòa đã khôi phục 166,9/200 MW, chiếm 83% công suất tải toàn tỉnh; dự kiến đến 8/11 sẽ cơ bản khôi phục hoàn toàn. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã chủ động cắt điện một số nơi hiện vẫn đang bị ngập để đảm bảo an toàn và sẽ khôi phục cấp điện hoàn toàn khi lũ rút.
Theo báo cáo số 12553 ngày 7/11 của Bộ Giao thông Vận tải, tính đến 15 giờ ngày 7/11, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đường Hồ Chí Minh còn 11 điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông, Quốc lộ 49B còn 5 đoạn bị ngập sâu trung bình từ 0,5-0,8m, gây ách tắc.
Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng (đường Hồ Chí Minh) còn 5 vị trí bị lún sụt, hiện cơ quan chức năng đã lắp rào chắn, biển cảnh báo, cử người canh gác và khắc phục tạm thời để thông xe 1 làn tuyến; đường Trường Sơn Đông còn 3 điểm bị sạt lở, gây tắc đường hoàn toàn; hiện cơ quan chức năng đang tổ chức khắc phục; một số điểm tại các Quốc lộ: 14D, 14E, 40B, 24C bị sạt lở, ngập nước gây ách tắc giao thông.
Tỉnh Quảng Ngãi đường Trường Sơn Đông bị sạt lở tại 2 vị trí, gây tắc đường hoàn toàn. Hiện các cơ quan chức năng đang tổ chức khắc phục; Quốc lộ 24B, 24C nhiều vị trí bị ngập nước, sạt lở gây ách tắc giao thông. Tỉnh Khánh Hòa, quốc lộ 27C đoạn Km56+00 - Km61+500 vẫn chưa thông tuyến.
Dự kiến đến hết ngày 8/11, sẽ thông 1 làn xe. Tỉnh Kon Tum, đường Trường Sơn Đông bị sạt taluy tại 3 điểm, hiện đã thông xe 1 làn; riêng tại K202+150 sạt lở đã gây đứt 1 đoạn đường dài 35m, sâu 70m.
Đường sắt khu vực Hảo Sơn - Đại Lãnh (Đèo Cả) tỉnh Phú Yên chưa thông tuyến, hiện Tổng công ty đường sắt Việt Nam đang tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị để khẩn trương khắc phục sự cố, dự kiến thông đường trong ngày 9/11.