Kiên Giang xác định ba khâu đột phá để phát triển

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra từ ngày 15 - 17/10/2015. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đồng chí Trần Minh Thống, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra từ ngày 15 - 17/10/2015. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đồng chí Trần Minh Thống (ảnh), Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy có thể cho biết đôi nét về công tác chuẩn bị Đại hội?

Thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị, trong nhiều tháng qua, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng cấp cơ sở và trên cơ sở; chỉ đạo các Tiểu ban phục vụ Đại hội tích cực chuẩn bị văn kiện, nhân sự trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, thông qua nhóm công tác của Bộ Chính trị; lấy ý kiến đóng góp của các ban Đảng, bộ, ngành Trung ương, trong Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Hiện nay, làm tốt công tác chuẩn bị, đảm bảo điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Xin đồng chí đánh giá kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ qua? Kết quả công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng?

Trong 5 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp cùng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước, nhưng Đảng bộ, quân và dân tỉnh Kiên Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường, tính năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Kinh tế tiếp tục phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, đạt trên 10,53%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.511 USD, gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ.

Tổng thu ngân sách hàng năm tăng bình quân 12,48%; nông nghiệp, công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp đều có bước phát triển khá. Là thế mạnh của Kiên Giang, kinh tế biển thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ, chiếm 75,6% GDP... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng. Nhiều công trình, dự án trọng điểm được đầu tư như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển quốc tế An Thới, đường hành lang ven biển phía Nam (có tuyến tránh thành phố Rạch Giá, cầu sông Cái Lớn, Cái Bé), quốc lộ 61, quốc lộ 63, đường điện quốc gia ra đảo Phú Quốc và đảo Hòn Tre..., tạo động lực to lớn thúc đẩy tỉnh phát triển nhanh hơn; trong đó huyện đảo Phú Quốc được tập trung đầu tư, từng bước trở thành đặc khu kinh tế trực thuộc tỉnh, ngày càng tạo ra sức lan tỏa phát triển lớn cho khu vực.

Một góc khu đô thị 16 ha Rạch Giá.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn; nghiêm túc thực hiện việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, tạo chuyển biến bước đầu về tăng cường tinh thần trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên; đoàn kết, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân...

Những điểm mới trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo sự bứt phá, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của địa phương nhiệm kỳ 2015 - 2020 là gì, thưa đồng chí?

Mục tiêu của nhiệm kỳ mới là khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, quyết tâm đưa Kiên Giang trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Theo đó, tỉnh đã xác định ba khâu đột phá để phát triển, đó là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính; tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; xây dựng, phát triển Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế. Đồng thời, đề ra 4 giải pháp lớn để thực hiện: Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển và đời sống; xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển và hội nhập quốc tế.

Để thực hiện ba khâu đột phá này, nhiệm kỳ tới, tỉnh Kiên Giang tập trung cao cho việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đáp ứng với nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia; phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ bằng nhiều hình thức đầu tư, tạo đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó tập trung vào các trục giao thông chính kết nối với các thành phố lớn và khu vực như đường hành lang ven biển phía Nam, quốc lộ 80 (đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi), đường thủy phía Nam, các cảng biển; ưu tiên đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông trên đảo Phú Quốc; đẩy mạnh xây dựng giao thông nông thôn, nhất là vùng khó khăn để đến năm 2020 toàn tỉnh đạt trên 80% đường liên xã, liên ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Xây dựng và phát triển Phú Quốc từng bước trở thành đặc khu kinh tế trực thuộc tỉnh, tạo động lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh và tác động lan tỏa đến các vùng trong khu vực, tỉnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ xây dựng hoàn thiện đề án đặc khu kinh tế Phú Quốc; xây dựng thể chế, chính sách thu hút đầu tư chiến lược, có hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh quốc tế và khu vực với 3 trụ cột chính là công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng; dịch vụ tài chính, ngân hàng và kinh tế biển...

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định 6 chương trình, dự án trọng điểm để tập trung chỉ đạo ưu tiên thực hiện là: Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình phát triển kinh tế biển; Chương trình phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm; Chương trình phát triển nguồn nhân lực; Dự án phát triển khu công nghiệp Thạnh Lộc, Thuận Yên, Xẻo Rô; Đề án phát triển Đặc khu kinh tế Phú Quốc.

Một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có tính chất quyết định cho sự thành công của nhiệm kỳ mới là phải xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Do vậy, phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng hiện nay gắn với thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến căn bản về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, gắn với thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; kiên quyết đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu, gây khó khăn, làm mất lòng dân.

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Lê Huy Hải (Thực hiện)
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM
Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM

Sáng 14/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã chính thức khai mạc, với sự tham dự của 445 đại biểu đại diện cho hơn 200.000 đảng viên của toàn Đảng bộ thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN