Kiên Giang thành lập bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở Campuchia, tỉnh Kiên Giang đã có phương án chủ động ứng phó với tình huống xấu, nhất là khi tình trạng nhập cảnh trái phép còn phức tạp và sắp đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Bác sĩ Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết, sau khi có chủ trương của Bộ Y tế về việc thiết lập bệnh viện dã chiến tại vùng biên giới thành phố Hà Tiên, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đang tăng cường cho tỉnh để hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 đã chọn địa điểm, lên phương án thực hiện.

Theo đó, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể dục Thể thao phường Mỹ Đức (thành phố Hà Tiên) đang tiến hành xây dựng bệnh viện dã chiến. Trong giai đoạn đầu, khu vực này có thể thu dung khoảng 300 bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ nhẹ. Tại đây đã có khu vực để nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân và nghỉ ngơi với đầy đủ tiện nghi. Riêng khu hành chính sử dụng làm ban chỉ huy kết nối với hệ thống điều hành bệnh viện dã chiến mà không phải tiếp cận trực tiếp.

Bên cạnh đó, dựa trên cơ sở hiện có của Trung tâm Y tế thành phố Hà Tiên, với sự hỗ trợ của các bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ thiết lập thêm 11 buồng bệnh để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng cần thở máy, lọc máu, ép mô và tình trạng nguy kịch có thể triển khai tại đây. Tầng thứ hai của Trung tâm Y tế có thể điều trị cho 39 bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức độ trung bình. Tiếp đến là sử dụng Khoa Nhiễm của Trung tâm đang điều trị cho 20 bệnh nhân để tiếp tục điều trị tại trung tâm.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Hà Văn Phúc, trong kịch bản của tỉnh, trường hợp những ngày tới nếu người Việt ở Campuchia về nước với số lượng lớn qua Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, tỉnh sẽ có phương án tăng thêm 200 giường bệnh tại bệnh viện dã chiến ở Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể dục Thể thao phường Mỹ Đức. Bên cạnh đó, dự kiến ngày 8 và 9/5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang mới sẽ khánh thành. Sau khi di dời xong, Bệnh viện Đa khoa cũ được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến nếu tình hình dịch COVID -19 diễn biến phức tạp hơn.

Trước đó, ngày 19/4, đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy gồm 13 thành viên đến từ nhiều khoa, phòng khác nhau do bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó khoa Hồi sức cấp cứu làm trưởng đoàn được tăng cường cho Kiên Giang. Nhiệm vụ của đội phản ứng nhanh là phối hợp cùng chính quyền, Bộ Chỉ huy Biên phòng và Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Kiên Giang khảo sát, phân luồng, xây dựng khẩn cấp bệnh viện dã chiến ở thành phố Hà Tiên và thành phố Rạch Giá. Song song với đó, xây dựng một đơn vị Hồi sức tích cực (ICU) có đủ các trang thiết bị hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nặng (bao gồm cả hệ máy ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu, chạy thận nhân tạo) tại Trung tâm Y tế Hà Tiên.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, qua khảo sát thực tế, đoàn công tác nhận thấy vùng biên giới Hà Tiên giáp với Campuchia có nhiều nguy cơ có thể xảy ra dịch COVID-19 bất cứ lúc nào. Các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang và thành phố Hà Tiên đã chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch. Các phương án xây dựng nơi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 và bệnh viện dã chiến được chuẩn bị chu đáo, thuận lợi trong việc điều trị cho bệnh nhân.

Lê Sen (TTXVN)
Nhanh chóng hoàn thành bệnh viện dã chiến tuyến trung ương tại Cần Thơ
Nhanh chóng hoàn thành bệnh viện dã chiến tuyến trung ương tại Cần Thơ

"Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ phối hợp với địa phương, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ nhanh chóng hoàn thành bệnh viện dã chiến tuyến trung ương tại Cần Thơ, chủ động các phương án ứng phó với diễn tiến khó lường của dịch COVID-19".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN