Kiên định phương thức điều hành Chính phủ kiến tạo

Giai đoạn 2016 - 2021, với quan điểm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ và hành động, Chính phủ đã xác định, phải chuyển mạnh từ phương thức quản lý hành chính sang Chính phủ phục vụ, hướng tới doanh nghiệp, người dân. Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là hiệu quả thước đo của Chính phủ, chính quyền các cấp. Cùng với đó, Chính phủ đã tiến hành cải cách thể chế, cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch... Xung quanh nội dung này, phóng viên báo Tin Tức đã trao đổi với TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Là chuyên gia nghiên cứu quản lý kinh tế vĩ mô, ông có đánh giá như thế nào về những nỗ lực trong năm 2016 của Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ?
 
Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ là một quan điểm rất tích cực trong quản lý Nhà nước. Cách thức quản trị công của mô hình Chính phủ kiến tạo lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân là thước đo sự thành công của nền quản trị. Thứ hai, cách quản lý này tạo ra một thị trường cạnh tranh giữa các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ. Ví dụ, cạnh tranh giữa các tỉnh, các bộ, các vụ trong một bộ và điều này mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.


Thành công đầu tiên tôi nhận thấy là Chính phủ đã đưa được nhận thức mới, cách thức quản lý mới của hệ thống quản lý hành chính mới vào Việt Nam. Điểm này tôi đánh giá cao nhất. Thực tế, với việc thực hiện mục tiêu Chính phủ kiến tạo thì bước đầu đã cho thấy những kết quả tích cực. Chính phủ đã thực thi những cải cách cần thiết để hỗ trợ, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp phát triển theo hướng cải thiện môi trường kinh doanh, giảm gánh nặng hành chính, chi phí hành chính cho doanh nghiệp... Ví dụ như vụ Cà phê Xin Chào, người dân bị vi phạm quyền kinh doanh và quyền sở hữu tài sản nhưng đã có sự can thiệp ngay. Thứ hai là một số chính sách bất cập về quản lý chuyên ngành về xuất nhập khẩu, quản lý kinh doanh, qua phản ánh của các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng như dệt may, năng lượng, xuất khẩu gạo, sản xuất mũ bảo hiểm... nhiều năm qua chưa được giải quyết thì nay đã được giải quyết.
 
 Kết quả nữa là môi trường kinh doanh cũng được cải thiện. Năm 2016, đánh giá xếp hạng về môi trường kinh doanh tăng 9 bậc, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (từ 81 lên vị trí 92). Đó là cũng có bước cải thiện. Bên cạnh đó, các tổ chức nước ngoài cũng đánh giá Việt Nam đang cải thiện tốt môi trường kinh doanh. Cách tiếp cận chính sách quản lý về kinh doanh đã thay đổi, lấy thông lệ quốc tế phổ biến để áp dụng. Việt Nam không còn đi con đường riêng, tự áp dụng cho mình. Đó là điểm họ đánh giá cao.
 
Xin ông cho biết, cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận thế nào về môi trường kinh doanh, đầu tư năm 2016?
 
Tinh thần cải cách của Chính phủ mới thể hiện qua vụ Cà phê Xin Chào và những rà soát bãi bỏ quy định trong hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh, đầu tư... đã tạo ra niềm tin cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là Luật Kinh doanh năm 2014 cũng có những điều khoản làm tăng thêm độ an toàn cho môi trường kinh doanh. Hiện nay, người dân, doanh nghiệp đã biết rõ rằng được kinh doanh gì và lĩnh vực gì không được kinh doanh.
 
Trong đó, phần không được làm gì thì rất nhỏ, phần được làm thì rất rộng. Từ đó, tạo ra niềm tin trong tư tưởng khởi nghiệp. Thứ ba là sự ổn định kinh tế vĩ mô mấy năm qua khá tốt. Thực tế này khiến người dân, doanh nghiệp an tâm bỏ vốn kinh doanh. Kết quả rõ nhất là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập tăng vọt hơn 100.000 doanh nghiệp. Đây là năm có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất trong 10 năm qua.
 
Theo ông, quan điểm Chính phủ kiến tạo đã thông suốt toàn hệ thống chưa? Và tình trạng nói nhưng không làm ở các cơ quan thuộc Chính phủ liệu có còn không, thưa ông?
 
Thẳng thắn đánh giá, quan điểm Chính phủ kiến tạo mới chỉ được thực hiện trong những trường hợp đơn lẻ, chưa phải là việc thực hiện một cách có hệ thống, thay đổi trong tư duy, hành động của toàn bộ bộ máy Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã có những yêu cầu rất rõ ràng và quyết liệt. Nhưng tinh thần cải cách ở một số bộ, ngành đến nay vẫn chưa nhìn thấy rõ. Thủ tướng tuyên bố như thế thì ý tưởng đó phải được thể hiện bằng chính sách, luật pháp, công cụ, thái độ làm việc... của các cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết là các bộ... Tôi chưa nhìn thấy sự minh định của các bộ trưởng trong việc chuyển tải thông điệp của Thủ tướng Chính phủ từ chính sách vào thực tiễn. Để thực hiện Chính phủ kiến tạo phải thiết lập một bộ máy, hệ thống tổ chức để thực hiện.
 
Có thể nói sự vô cảm của cán bộ, công chức trước những vấn đề của doanh nhân, doanh nghiệp trong bộ máy hành chính Nhà nước vẫn là rất phổ biến. Cách thức xử lý vẫn là đổ cho “quy định”, chứ người ta không nghĩ rằng quy định như vậy thì với thẩm quyền, có cách nào giải quyết được. Hơn nữa, thấy quy định là vô lý thì phải cùng người dân, doanh nghiệp kiến nghị sửa, hoặc tìm cách thức quản lý mới hiệu quả hơn với thái độ tận tâm. Theo tôi, việc khó thay đổi nhất hiện nay để thực hiện quan điểm Chính phủ kiến tạo là phải thay đổi tư duy, năng lực và thái độ làm việc.
 
Vậy ông có đề xuất gì cho quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo trong năm 2017?
 
Là người trong cuộc, tôi muốn môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh mình phải tăng 40 - 50 bậc, chứ không phải chỉ 9 bậc như vừa qua. Bởi có những điểm rất dễ cải thiện, như cải cách thể chế, tập trung đã nhiều năm qua mà điểm số cải thiện vẫn rất thấp. Về hiệu quả thị trường cũng bị điểm rất thấp, mặc dù rất nhiều tiềm năng. Chính vì vậy, năm 2017, tôi cho rằng, quan điểm Chính phủ kiến tạo phải được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa.
 
Không chỉ là bên hành pháp nói, bên Đảng nói, Quốc hội nói, mà Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tức là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc triển khai để thực hiện cách thức quản lý Nhà nước theo mô hình Chính phủ kiến tạo.
 
Tôi nghĩ Chính phủ kiến tạo không khó để thực hiện, hoàn toàn làm được với điều kiện các bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh phải sâu sát công việc của từng bộ phận. Khi có một vấn đề của doanh nghiệp, người dân phát hiện ra, hãy tập trung giải quyết ngay.
 
Năm 2017, CIEM sẽ kiến nghị đưa bộ giải pháp hơn 100 chỉ tiêu cải cách hành chính vào áp dụng cho toàn hệ thống và cả nền kinh tế. Bộ giải pháp này phân định rất rõ các chỉ tiêu, chỉ số và giao rất cụ thể các thay đổi, cải thiện điểm số. Ví dụ điểm thể chế hiện tại là 4, vậy muốn tăng lên 4,5 thì bộ nào thực hiện. Bộ trưởng các sẽ chịu trách nhiệm việc thực hiện cải cách để nâng điểm số về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh với các lĩnh vực bộ mình phụ trách. Nếu không đạt chỉ tiêu cải cách thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Việc thực hiện bộ chỉ số cải cách sẽ gắn với trách nhiệm cá nhân, đề cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình của các bộ trưởng, chủ tịch UBND. Khi đưa vào áp dụng, các bộ, ngành sẽ biết mức độ cải cách của mình đang ở đâu, mình muốn tiến đến đâu đều có giải pháp gì. Từ đó, Chính phủ có thể xây dựng lộ trình cải cách hành chính và cải cách môi trường kinh doanh cho cả nền kinh tế.
 
Xin cảm ơn ông!
Xuân Hương (thực hiện)
Chính phủ liêm chính và sức mạnh của niềm tin
Chính phủ liêm chính và sức mạnh của niềm tin

Ngay từ lần đầu tiên chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ (tháng 4/2016), thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch, hiệu quả; nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí” đã nhận được sự đồng thuận lớn của tập thể Chính phủ và người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN