Nói đi đôi với làm
Từ bài phát biểu tuyên thệ nhậm chức trước toàn thể quốc dân, đồng bào đến những lần làm việc với các bộ, ngành, địa phương hoặc trên cả những diễn đàn khu vực và thế giới, liêm chính cũng là khái niệm được Thủ tướng được nhắc đến nhiều lần và được xem như một tiêu chí trong công tác quản lý điều hành của Chính phủ và bộ máy chính quyền địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối Long Biên. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Về bản chất, Nhà nước liêm chính là một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Trước đây, khi nói đến phẩm chất của người cán bộ, Bác Hồ từng chỉ rõ: Cần, kiệm, liêm, chính. Xây dựng Chính phủ liêm chính cũng đồng nghĩa với việc xây dựng một Chính phủ hiệu quả, một Chính phủ làm gương cho xã hội, nói đi đôi với làm.
Một Chính phủ liêm chính còn phải là một chỉnh thể thống nhất từ phương châm đến hành động, có mối tương tác, quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa các thành viên với nhau và với toàn hệ thống để có một cơ chế vận hành đồng nhất, hiệu quả. Không chỉ có vậy, những cam kết mạnh mẽ cần phải đi liền với những quyết sách cụ thể, hữu hiệu để thực hiện lời hứa, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay vào thực hiện định hướng xây dựng Chính phủ liêm chính bằng việc chấn chỉnh xử lý sự vụ quán cà phê Xin chào. Sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời, cũng không kém phần bất ngờ của Người đứng đầu Chính phủ về một tình huống pháp lý gắn với thân phận của người yếu thế - nạn nhân của hành vi lạm quyền công vụ có tác dụng như một “nhát kiếm công lý” đầy uy lực. Đó cũng là chỉ dấu đầu tiên cho hàng loạt những chỉ đạo quyết liệt của ông và tập thể Chính phủ nhằm chấn chỉnh kỷ cương, phép nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân và doanh nghiệp.
Tiếp theo, hình ảnh rất đời thường của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ăn sáng, uống cà phê ở quán ăn đường phố tại Thành phố Hồ Chí Minh và trước đó, bất ngờ xuất hiện ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) từ mờ sáng để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy một phong cách tư duy và hành động hết sức gần gũi, đầy hơi thở cuộc sống. Thủ tướng cũng đã đến tận nơi ở, thăm nhà người có thu nhập thấp, thăm nơi làm việc của công nhân. Xóa mờ những khoảng cách thường thấy giữa lãnh đạo với người dân, ông thân thiện chuyện trò, thăm già, hỏi trẻ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ để nắm bắt tình hình, chuẩn bị cho những kết luận quan trọng tại hội nghị quy mô toàn quốc liên quan đến an sinh.
Trong một hành động hiếm gặp từ một lãnh đạo cấp cao, người dân đã chứng kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nói lời xin lỗi về một sự việc gây hiểu lầm trong dư luận mà không phải lỗi của ông. Đó là khi Thủ tướng đi bộ vào phố cổ Hội An nhưng đoàn xe đi cùng vẫn đi theo vào tận phố đi bộ khiến người dân xì xào, bàn tán.
Gỡ nút thắt thể chế Xuyên suốt những cuộc họp, buổi làm việc, “thể chế, thể chế và thể chế” là vấn đề thường xuyên được Thủ tướng nhắc đi nhắc lại, lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành. Cũng nhờ sự đôn đốc sát sao ấy, Chính phủ đã khắc phục được một tồn tại được coi là căn bệnh cố hữu từ nhiều năm nay - nợ văn bản. Dưới chỉ đạo của Thủ tướng và quyết tâm của toàn hệ thống, Chính phủ đã ban hành được một số lượng kỷ lục lên đến 162 nghị định quy định chi tiết các luật trong năm 2016.
Không chỉ có vậy, để đảm bảo cả bộ máy nhất quán mục tiêu liêm chính, kiến tạo, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác để kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng giao. Sáng kiến này ngay lập tức phát huy hiệu quả, tác động tích cực tới các bộ, ngành, địa phương; khắc phục được hạn chế lâu nay trong khâu hậu kiểm.
Có thể thấy liên tiếp những chỉ đạo của Thủ tướng như phát động năm quốc gia khởi nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo nút thắt hạn điền…là những minh chứng cụ thể cho tư tưởng liêm chính. Những đổi mới được ứng dụng và triển khai ngay vào thực tiễn, tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, thay vì kinh tế xã hội, nội dung xây dựng thể chế được đôn lên đầu tiên, như một lời nhắc nhở trách nhiệm hàng đầu của Chính phủ. Cũng trong nhiều bài phát biểu, Thủ tướng luôn đề cao việc ngăn chặn lợi ích nhóm, ngay từ khi khởi thảo chính sách.
Giải phóng nguồn lực để tăng trưởng Một trong những ưu tiên khác của Thủ tướng và cũng là một nội hàm của khái niệm Chính phủ liêm chính là giải phóng nguồn lực xã hội.
Nhiều lần khẳng định, nguồn lực trong dân, nguồn lực bên ngoài là rất lớn, là chỗ dựa và sức bật của tăng trưởng, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tổ chức hội nghị gặp mặt trí thức Việt kiều, dự hội nghị bàn tròn với các chuyên gia toàn cầu để lắng nghe và kêu gọi các nhân sỹ trí thức, các chuyên gia ưu tiên dành sự quan tâm và hỗ trợ tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.