Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) đặt câu hỏi về quy hoạch hệ thống hạ tầng kĩ thuật chưa được Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết, khiến các con đường cứ đào lên lấp xuống để làm hệ thống thoát nước, cấp điện chiếu sáng...
Lý giải thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, trong các quy định pháp luật hiện nay đã quy định rõ khi xây dựng con đường phải xây dựng hào kĩ thuật có đầy đủ hệ thống cấp thoát nước, giao thông, viễn thông. Khi xây dựng một tuyến đường phải giải phóng đồng thời 2 bên đường để khai thác nguồn lực đất đai nhằm phát triển xã hội.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN |
"Tuy nhiên, ở khâu tổ chức thực hiện thì gặp khó khăn. Khó thứ nhất về nguồn lực. Để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng phải có số vốn lớn mà các địa phương chưa đủ sức. Thứ 2, quy hoạch chưa khớp nhau, chẳng hạn quy hoạch xây dựng với quy hoạch viễn thông chưa đồng bộ nên lại phải chờ thời gian để đồng bộ trong khi yêu cầu phải hoàn thành con đường đó. Thứ 3 là nguyên nhân chủ quan. Một số cơ quan quản lý chưa nghiêm túc thực hiện", Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay.
Bộ trưởng Xây dựng cho biết, sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung, xây dựng đồng bộ các quy hoạch để tránh hiện tượng này. Trong kế hoạch kinh tế xã hội hằng năm của các địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị cân đối tập trung nguồn vốn để đầu tư dứt điểm, tránh dàn trải nhiều công trình khiến hiệu quả thấp.
Bổ sung ý kiến của Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hai Bộ đã có sự bàn bạc, thống nhất trong lồng ghép các loại quy hoạch. Luật Quy hoạch đang trình Quốc hội sẽ giúp xử lý sự bất cập, chồng chéo của các quy hoạch, lồng ghép các loại quy hoạch trong tổng thể quy hoạch chung.
Thực trạng phá vỡ quy hoạch, cấp phép tràn lan cho các khu đô thị, chung cư ở trung tâm thành phố gây quá tải về hạ tầng, ùn tắc giao thông cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu thực tế: Ùn tắc giao thông gây thiệt hại 3% GDP, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân một phần do cấp phép quá nhiều chung cư cao tầng tại nội đô và các cửa ngõ ra vào thành phố, nhất là tại 2 thành phố lớn; đồng thời đại biểu này đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Xây dựng.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận đây là vấn đề có thực. Sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã rà soát thì thấy một số khu đô thị, chung cư đã xây dựng không đúng quy hoạch chi tiết.
Theo Bộ trưởng, các khu đô thị phải tuân thủ quy hoạch xây dựng, thiết kế xây dựng và giấy phép xây dựng. Trong quy hoạch xây dựng chi tiết đã quy định rất cụ thể về mật độ xây dựng, sử dụng đất, cốt xây dựng, cảnh quan, kiến trúc, đồng bộ về hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội so với dân số khu vực, đánh giá tác động môi trường... Nếu chủ đầu tư tuân thủ quy hoạch chi tiết này thì sẽ không xảy ra tình trạng quá tải về hạ tầng.
Một nguyên nhân khác được Bộ trưởng Xây dựng nêu ra, đó là kể cả khi dự án tuân thủ quy hoạch chi tiết thì các địa phương cũng phải xây dựng đồng bộ hạ tầng gắn với khu đô thị đó. Có tình trạng xây xong khu đô thị nhưng hạ tầng kết nối lại không theo kịp tiến độ nên vẫn gây ùn tắc giao thông.
Do đó, giải pháp được Bộ trưởng đưa ra cho thực trạng này là phải tuân thủ quy hoạch chi tiết, đảm bảo thiết kế đô thị, đồng thời có kế hoạch đồng bộ hạ tầng khu vực thì mới giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông.
"Giải quyết ùn tắc, ngập lụt không thể ngày một, ngày hai"
Cũng liên quan đến vấn đề quản lý đô thị được các đại biểu Quốc hội quan tâm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua trên địa bàn thành phố có tình trạng vi phạm quy hoạch chi tiết của các khu đô thị, khu chung cư. Các dự án được Bộ Xây dựng phê duyệt theo đúng các quy định về quy hoạch, quy chuẩn xây dựng nhưng khi triển khai thì chủ đầu tư lại vi phạm về mật độ và số tầng cao.
Ông Chung dẫn chứng trường hợp khu chung cư Đại Thanh (huyện Thanh Trì) vi phạm về chiều cao, đồng thời nhận trách nhiệm trước hết của thành phố đã không kiểm tra, giám sát thường xuyên, các thanh tra xây dựng không sát sao.
Để khắc phục tình trạng này, ông Chung cho biết thành phố đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ và thanh tra chuyên ngành, giao trách nhiệm cho các địa phương quận huyện, thanh tra xây dựng các cấp. Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, xử lý 18 trường hợp thuộc trách nhiệm quản lý của thành ủy là chủ tịch các phường xã, thanh tra, phó thanh tra… đã buông lỏng quản lý.
"Chúng tôi đã đề xuất thí điểm giao thanh tra xây dựng cho cấp quận huyện quản lý", Chủ tịch Hà Nội cho hay.
Hà Nội liên tục ngập lụt sau những cơn mưa lớn. |
Liên quan đến tình trạng ngập lụt diễn ra liên tục sau mỗi trận mưa lớn, gây ùn tắc giao thông, bức xúc cho người dân, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, từ năm 2002, TP đã triển khai các giải pháp để chống ngập như xây dựng dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2 bằng nguồn vốn của Nhật Bản. Tuy nhiên, ông Chung cho biết dù có hoàn thành cả 2 giai đoạn này thì khu vực nội thành cũ cũng chỉ chịu được những trận mưa 120 mm, còn mưa lớn hơn thì vẫn ngập.
Hiện nay, khu vực phía Tây Hà Nội gồm Hà Đông, Từ Liêm và Cầu Giấy đang triển khai dự án nạo vét sông Tô Lịch, cống Liên Mạc… để chống ngập cho khu vực này. Ngoài ra, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ đào thêm 25 hồ, nạo vét, cải tạo 128 hồ nội thành để khắc phục tình trạng ngập lụt.
Cùng với các giải pháp chỉnh trang đô thị khác, ông Nguyễn Đức Chung cho biết bộ mặt đô thị thành phố Hà Nội sẽ được cải thiện, tuy nhiên cần chờ thêm thời gian.
Cũng giống như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng cùng chung mối lo ngập úng, ùn tắc. Tại phiên chất vấn, Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong cho biết, theo dự báo trong quy hoạch chung thì đến năm 2025, TP có 10 triệu dân nhưng thực tế hiện nay TP đã có 13 triệu người.
Điều này tạo nên áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông của TP. Hiện TP có khoảng 7,6 triệu xe gắn máy, 700.000 ô tô. Cứ 1 tháng có 30.000 phương tiện mới đăng kí, trong khi đường xá không thể mở rộng kịp.
Để giảm ùn tắc, TP đang phát triển các dự án giao thông công cộng, nhưng chủ yếu từ nguồn vốn ODA hoặc phương thức đầu tư PPP, còn ngân sách thì không có khả năng. Ngay cả nguồn vốn ODA cũng đang gặp khó khăn trong khi tuyến Metro 1 yêu cầu phải vận hành vào năm 2020.
Về chống ngập, TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp xây dựng công trình như hồ điều tiết, cống chống ngập… kết hợp tuyên truyền người dân không xả rác, gắn trách nhiệm với chính quyền địa phương. Tuy vậy, vị Chủ tịch TP Hồ Chí Minh cũng phải thừa nhận rằng không thể ngày một ngày hai mà cần thời gian mới có thể cải thiện được tình hình.
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch đồng bộ từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chi tiết, gắn quy hoạch xây dựng với các quy hoạch chuyên ngành. Yêu cầu tất cả các đô thị phải xây dựng kế hoạch phát triển đô thị, cân đối với khả năng ngân sách, nguồn lực. Tăng cường kiểm soát đầu tư công trình, tránh gây áp lực nên đô thị. Chú trọng đầu tư hạ tầng đô thị về cấp thoát nước, công viên, nghĩa trang, cây xanh...