Nhìn lại sự tăng trưởng của ngành du lịch những năm qua, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng chúng ta đang tăng trưởng mạnh nguồn khách Trung Quốc. Đó là nguồn quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng số lượng khách du lịch. Nhưng có rất nhiều hệ quả không mong muốn đến từ nhóm khách này, thậm chí họ có những vi phạm về chủ quyền lãnh thổ như mặc áo có in bản đồ hình "đường lưỡi bò", hướng dẫn viên xuyên tạc lịch sử Việt Nam... Có những hiện tượng khách Trung Quốc ứng xử thiếu văn hóa.
Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng. |
"Cần đánh giá hiệu quả của khách du lịch Trung Quốc thế nào? Với những tour du lịch 0 đồng, chúng ta thu được rất ít. Toàn bộ hoạt động tổ chức tour do doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện, việc chi trả trên lãnh thổ Việt Nam cũng thực hiện qua hệ thống thẻ của họ, việc ăn uống tại nhà hàng, mua đồ lưu niệm... đều không chi trả bằng tiền mặt tại Việt Nam", đại biểu Thắng băn khoăn.
Ông đề nghị: Phải xem lại liệu có cần lượng khách đông như vậy không? Cần phân loại khách, đàm phán với đối tác để thúc đẩy hoạt động chi tiêu, thanh toán của khách Trung Quốc phải diễn ra tại lãnh thổ Việt Nam.
Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng tại Đà Nẵng đã phát hiện trường hợp du khách Trung Quốc mua hàng ở Việt Nam cà thẻ qua máy POS chui, tiền chuyển qua ngân hàng Trung Quốc thanh toán. Ngân hàng Nhà nước không quản lý được phương thức thanh toán này nên có thể thất thu thuế. Khách Trung Quốc có thể né các loại thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt...
Du khách Trung Quốc tham quan thành phố Nha Trang. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN |
Về giải pháp cho vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng cho rằng các doanh nghiệp làm du lịch cần thỏa thuận với nhau, cơ quan quản lý phải có giải pháp để các công ty du lịch thực hiện. Khi khách vào, phải có đối tác tại Việt Nam nhận kí hợp đồng để đưa khách vào. Có quy định chi tiết như có khoản chi tiêu, tỷ lệ bao nhiêu phải thực hiện tại Việt Nam... Chẳng hạn việc mua vé máy bay có thể thực hiện bên nước họ nhưng khi đã nhập cảnh Việt Nam thì việc lưu trú, chi tiêu ăn uống, mua vé tour tại Việt Nam thì cần thanh toán tại Việt Nam.
Đại biểu Thắng cũng đề nghị cơ quan quản lý cần đề ra quy định cụ thể và mang tính bắt buộc để doanh nghiệp thực hiện. Còn doanh nghiệp phải nghĩ đến lợi ích quốc gia. Khi du lịch phát triển bền vững thì sẽ có lợi ích của doanh nghiệp. Đã qua giai đoạn phát triển về lượng mà giờ phải phát triển về chất.
Năm 2017, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng cao kỷ lục và đạt 12,9 triệu lượt, trong đó khách Trung Quốc có tỷ lệ lớn nhất với trên 4 triệu lượt, chiếm 30%. Khách du lịch đến từ Trung Quốc đã tăng rất nhanh chỉ sau 1 năm. Nếu như năm 2016, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc thì năm 2017 đã tăng gấp rưỡi.