Khơi dậy truyền thống Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng

Phát huy truyền thống yêu nước của vùng quê Kinh Bắc, Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) đồng sức đồng lòng bảo vệ quê hương, cùng cha anh đánh giặc giữ làng.

Tinh thần yêu nước bất khuất cùng bản lĩnh chính trị vững vàng của các đội viên là tấm gương sáng, niềm tự hào sống mãi trong lòng các thế hệ người dân Đình Bảng nói riêng, người dân tỉnh Bắc Ninh nói chung.

Chú thích ảnh
Các cựu đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng giao lưu với các em học sinh tại Lăng Lòng chảo, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

"Tuổi nhỏ làm việc nhỏ"

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đình Bảng trở thành địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam, giúp đỡ và bảo vệ các chiến sĩ hoạt động cách mạng.

Năm 1949, giặc Pháp chiếm đóng Đình Bảng, do đó đội quân du kích tạm rút khỏi làng để bảo toàn lực lượng. Trước tình hình tấn công liên tục của quân địch, thực hiện lời Bác Hồ dạy “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình/ Để tham gia kháng chiến/ Để gìn giữ hòa bình”, ngày 7/11/1949, Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng (tiền thân là nhóm “Nhi đồng cứu quốc” hoạt động từ năm 1941) chính thức ra đời tại Lăng Lòng chảo (nơi yên nghỉ của Thái tổ Lý Công Uẩn).

Ban đầu thành lập, Đội có 16 thiếu niên dũng cảm, trong độ tuổi từ 11 đến 17, với nhiệm vụ bí mật theo dõi tình hình địch, làm giao liên, lấy vũ khí của địch để cung cấp cho du kích, giải cứu cán bộ ta bị địch bắt và vận động lính quân đội Sài Gòn trở về…

Cựu đội trưởng Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng Nguyễn Thạc Hoàn năm nay đã gần 90 tuổi. Mỗi khi nhắc đến những ngày tháng tham gia hoạt động, ánh mắt ông sáng bừng lên niềm tự hào, xen lẫn xúc động.

“Giây phút được kết nạp, chỉ có thiếu niên phụ trách và chỉ huy đội, gặp gỡ tuyên truyền, tuyên bố kết nạp đội viên. Không có nghi thức trang trọng và cờ hoa, nhưng trong lòng ai cũng xúc động, dâng lên niềm tự hào, tự hứa trung thành, dũng cảm, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng khi ấy từng làm địch điên đảo tìm cách đối phó”, ông Hoàn nhớ lại.

Tiếp nối câu chuyện của ông Hoàn, cựu đội viên Nguyễn Đức Thìn xúc động kể lại, hồi đó ông được giao nhiệm vụ theo dõi sự di chuyển của quân Pháp, số lượng ô tô của địch đi về trong ngày, số lượng lính, chụp ảnh những khu vực cần thiết… rồi chuyển vào hòm thư bí mật ở lăng Lòng Chảo. Mọi liên lạc truyền tin rất cẩn thận, thông qua các hòm thư bí mật và bằng các ký hiệu. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, cậu bé Thìn rửa xe ô tô, làm kính vạn hoa, thổi kèn harmonica, nhảy múa… cho quân địch xem. Khi chúng không chú ý, cậu lấy máy ảnh ROC chụp cảnh bãi xe, bãi súng, kho lương thực… gửi phim về cho lực lượng du kích nghiên cứu, đánh địch.

Bên cạnh những chiến công đó, không thể không nhắc tới tấm gương dũng cảm của thầy giáo Nguyễn Danh Chúc (người đã bảo vệ học sinh, đội viên Đinh Văn Hiện, đội viên Nguyễn Văn Long…) đã hy sinh anh dũng, quyết tâm bảo vệ hoạt động cách mạng lúc bấy giờ. Các đội viên như Nguyễn Phụ Nghiêm, Nguyễn Phụ Thịnh, Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Thị Bé… khi bị bắt, tra tấn dã man nhưng đã kiên cường, bất khuất, không đầu hàng địch, trở về đội tiếp tục hoạt động.

“Những hành động gian ác của chúng không thể dập tắt phong trào sôi nổi của Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, mà còn khiến các thành viên trong đội cháy bùng lên ngọn lửa căm thù quân địch, quyết tâm kháng chiến càng mạnh mẽ hơn, góp phần cùng các chiến sĩ, dân quân du kích làm nên những chiến thắng liên tiếp”, ông Hoàn nói.

Với những chiến công lập được, năm 1952, Đội trưởng Hoàn thay mặt Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng được tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tại Việt Bắc. Người đội trưởng ấy tới giờ không thể quên những giây phút được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; vinh dự nhận thư khen của Bác Hồ dành cho Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng.

“Cầm lá thư của Bác trên tay, suốt chặng đường về, tôi xúc động chưa dám mở ra đọc. Lá thư được truyền tay nhau, mỗi thành viên trong đội được cầm thư 1 ngày, ai cũng sướng vui khôn xiết. Từng nét chữ, Bác cẩn thận dặn dò, Bác khen đội tích cực ‘tham gia kháng chiến kiểu mẫu’, là tấm gương cho thiếu nhi cả nước noi theo, hăng hái thi đua học tập, tham gia bảo vệ quê hương” đã in sâu vào tâm trí mỗi chúng tôi"- ông Hoàn kể lại.

Trong 5 năm hoạt động (từ 1949-1954), gần 100 đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng đã lấy được 30 tấn đạn, 13 khẩu súng các loại, một máy thông tin bộ đàm, 250 hòm ắc quy, 10 gánh dây điện, 10.000 quả lựu đạn, phá hủy ba khẩu đại bác, một súng cối, 8 khẩu đại liên, một khẩu trung liên của địch. Bên cạnh đó, đội còn dẫn đường giải thoát cho 42 cán bộ, chiến sĩ thoát khỏi trại tù của địch, vận động 115 lính của địch bỏ hàng ngũ, diệt nhiều tên lính và sĩ quan Pháp…

Tinh thần yêu nước bất diệt

Chú thích ảnh
Cựu đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng Nguyễn Đức Thìn (áo trắng) và đội trưởng Nguyễn Thạc Hoàn (áo xanh) giao lưu với các em học sinh trường THCS Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Trong niềm vui chiến thắng, Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng làm nhiệm vụ thu gom vũ khí, giao cho bộ đội, canh gác thôn làng, dạy bình dân học vụ... Bên cạnh đó, các đội viên hăng hái học tập, sản xuất, cùng nhân dân Đình Bảng xây dựng và bảo vệ quê hương. Ngoài ra, thực hiện sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, hầu hết đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng hăng hái lên đường nhập ngũ, dũng cảm chiến đấu trên khắp các chiến trường, lập nhiều chiến công.

Sau khi trở về từ chiến trường, đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng tự học tập, rèn luyện, trưởng thành trong công việc và cuộc sống, dù đảm nhiệm công việc ở nhiều vị trí khác nhau song vẫn giữ vững tinh thần cách mạng của Đội, trong đó phải kể đến tấm gương đội viên Nguyễn Đức Thìn. Sau khi trở về quê hương, đội viên Thìn trở thành thầy giáo dạy học tại Trường Trung học Cơ sở Tam Sơn (nay thuộc xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Năm 1963, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, khi ấy là Tổng Phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong của trường đã có sáng kiến phát động phong trào “Nghìn việc tốt”, thi đua thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Sau đó, “Nghìn việc tốt” đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi của tuổi trẻ cả nước, được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và nhân dân khen ngợi, khuyến khích phát triển.

Bằng những cống hiến của mình cho sự nghiệp giáo dục, thầy Thìn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985 và Nhà giáo Nhân dân năm 1988. Bước sang tuổi 79, người đội viên năm xưa vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, miệt mài sáng tạo văn học nghệ thuật, xuất bản hàng chục đầu sách gồm các truyện, ký, thơ… được bạn đọc đánh giá cao.

Bên cạnh đó, không ít đội viên khi hoàn thành nhiệm vụ của người lính trở về hậu phương lại tiếp tục công tác, trở thành những cán bộ nòng cốt của địa phương như cựu đội viên Đỗ Tá Ngọc, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đảng Từ Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đình Bảng. Nhiều người đứng trong hàng ngũ quân đội như cựu đội viên Nguyễn Thạc Hoàn, Nguyễn Thạc Luyện, Nguyễn Thế Thành, Đỗ Viết Thành, Nguyễn Thạc Tam, Nguyễn Lương Dư, Nguyễn Thạc Hiển…

Cựu đội viên Nguyễn Đức Xướng đã kiêm nhiệm nhiều công việc tại địa phương như giáo viên vỡ lòng, bình dân học vụ, Trưởng ban Văn hóa thông tin, Trưởng đài Truyền thanh… Các cựu đội viên Trần Văn Hậu là thương binh chống Mỹ, hăng say lao động sáng tạo trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Cựu Đội viên Nguyễn Duy Mưu, sau khi nghỉ hưu vẫn tích cực tham gia Ban Quản lý di tích, công tác Đảng, công tác Hội Người cao tuổi…

Tròn 70 năm thành lập Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng (1949 - 2019), các đội viên nay đã bước vào lứa tuổi xưa nay hiếm, song những kỷ niệm về những ngày tháng chiến đấu, theo chân cha anh đánh địch giữ làng vẫn vẹn nguyên trong ký ức mỗi người. “Chúng tôi luôn sẵn sàng đeo khăn quàng đỏ, giao lưu với lớp lớp đội viên trẻ khắp cả nước. Dù ở đâu, trên cương vị công tác nào, cựu đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng luôn giàu lòng yêu nước, nhân ái, thương quý đồng bào, sẵn sàng vì quê hương đất nước, không ngừng học tập và rèn luyện”, ông Nguyễn Thạc Hoàn khẳng định.

Với những thành tích đã đạt được, Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân”, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Cờ “Thanh niên anh dũng”, Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới tặng Cờ “Tuổi trẻ vì hòa bình”.

Lan tỏa truyền thống cách mạng

Phát huy truyền thống yêu nước của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh ra sức thi đua, chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, chú trọng đến công tác chăm lo đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,3%. Tổng thu ngân sách phường trong 6 tháng đầu năm đạt gần 30 tỉ đồng, trong đó nổi bật với nghề đồ gỗ mỹ nghệ, làm bánh phu thê, dịch vụ du lịch tại Khu Di tích lịch sử Đền Đô…

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, người dân Đình Bảng trồng hoa đào, mang lại lợi nhuận kinh tế lớn. Với những thành tựu kinh tế, Đình Bảng tập trung công tác chăm lo chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công, công tác y tế, giáo dục, đảm bảo an ninh trật tự xã hội… Phường Đình Bảng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục, tuyên truyền lòng yêu nước cho các thế hệ thanh niên, học sinh tại các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở tại địa phương. Ông Lê Tạo Lợi, Phó Chủ tịch UBND phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cho biết: “Đến nay, các cựu đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng không chỉ là những công dân tiêu biểu, luôn đi đầu trong xây dựng quê hương, mà còn là những nhân chứng sống trực tiếp tham gia công tác và chiến đấu anh dũng, tấm gương sáng cho các thế hệ nhân dân phường Đình Bảng noi gương học tập”.

Nhiều năm qua, vào mỗi sáng thứ Hai hàng tuần, tại các Trường Tiểu học Đình Bảng số 1, Tiểu học Đình Bảng số 2 và Trung học Cơ sở Đình Bảng, đều tổ chức cho học sinh tham gia các buổi nói chuyện, trao đổi với các cựu đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng. Tại đây, các em học sinh được tìm hiểu về lịch sử quê hương, lịch sử Việt Nam, về triều đại nhà Lý, Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng, cách hoạt động đoàn đội hiệu quả. Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn của các cựu đội viên, các em học sinh chia sẻ với nhau về cách học hay, cách làm việc có ích cho xã hội như giúp đỡ bạn bè, thầy cô, người thân và những người xung quanh, cùng nhau vươn lên trong học tập, lan tỏa phong trào “Nghìn việc tốt”…

Em Đỗ Thu Thủy, học sinh Trường Trung học Cơ sở Đình Bảng, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, cho biết: “Qua câu chuyện của các ông trong Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng năm xưa, em rất tự hào về quê hương có truyền thống lịch sử cách mạng. Em tự nhủ sẽ cố gắng phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống, đúng như lời Bác dạy ‘tuổi nhỏ làm việc nhỏ’, trở thành người công dân tốt, góp phần xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu mạnh”.

“Vào những dịp lễ lớn của địa phương và đất nước, các chi bộ phường Đình Bảng phổ biến, tuyên truyền lịch sử quê hương, không thể không nhắc đến những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ kiên cường, trong đó có hoạt động của Đội Thiếu niên du kích Đình Bàng. Những thành tích vang dội của Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng sẽ còn "sống mãi" trong lòng người dân, là động lực cùng toàn Đảng bộ, nhân dân góp phần xây dựng quê hương Bắc Ninh phát triển giàu mạnh”, Phó Chủ tịch UBND phường Đình Bảng khẳng định.

Bài và ảnh: Diệp Trương (TTXVN)
74 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9: Bài học lớn về 'mẫu số chung' toàn dân tộc
74 năm Cách mạng tháng 8, Quốc khánh 2/9: Bài học lớn về 'mẫu số chung' toàn dân tộc

Tròn 74 năm trước, vào chiều 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN