Nhân 74 năm Quốc khánh: Vị Thủy phát huy thế mạnh để vươn lên

Từ một địa bàn vùng sâu, xa trung tâm tỉnh lị Cần Thơ cũ, nơi bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, đã xác định được thế mạnh phát triển để vươn lên sau 20 năm thành lập (1/9/1999 – 1/9/2019).

Chú thích ảnh
Trao chứng nhận xã Vị Trung đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Đi lên từ nông nghiệp

Tại lễ kỉ niệm 20 năm thành lập huyện Vị Thủy, ông Nguyễn Thành Nguyên, 82 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, không giấu được niềm hân hoan, tự hào cho biết: Đảng bộ, chính quyền huyện đã xác định đúng vai trò, thế mạnh của sản xuất nông nghiệp trong quá trình phát triển. Chính vì thế, Vị Thủy đã đầu tư trang bị máy móc, hạ tầng thủy lợi, chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, để hôm nay trở thành một trong những đơn vị có sản lượng lương thực cao nhất tỉnh, với gần 300.000 tấn/năm. Cùng với đó, Vị Thủy là một trong những địa phương có nhiều mô hình sản xuất mới, sản xuất lúa thông minh, hiệu quả.

Đánh giá thành tựu 20 năm của Vị Thủy, ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, cho rằng từ khi thành lập huyện đến nay, nhờ những mô hình, cách làm mới, sáng tạo nên nông nghiệp của Vị Thủy luôn có sự phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch rõ nét. Diện tích lúa có đê bao khép kín chiếm 95% diện tích sản xuất lúa.

Vị Thủy cũng là địa phương có số lượng máy gặt đập liên hợp chiếm hơn 1/3 tổng số máy toàn tỉnh. Điều này đã góp phần đưa năng suất lúa bình quân năm 1999 là 4,53 tấn/ha lên 6,3 tấn/ha hiện nay. Đây là năm thứ 18 liên tiếp huyện có sản lượng lúa đạt trên 200 ngàn tấn/năm với 8.000 ha sản xuất lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và là vùng lúa nguyên liệu của tỉnh.

Thế mạnh của huyện Vị Thủy hầu như chỉ có nông nghiệp. Trước nay, huyện chú tâm sản xuất lúa, một số cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và nuôi trồng thủy sản. Gần đây, huyện tập trung mạnh vào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới là Vị Thanh, Vị Thủy, Vi Thắng và Vị Trung, các xã còn lại đạt từ 10-14 tiêu chí nông thôn mới.

Bà Trần Hồng Tim, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã Vị Trung khoe: Xã Vị Trung được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới dịp 20 năm thành lập huyện Vị Thủy. Những năm qua, với việc xây dựng các tiêu xã chí nông thôn mới, Vị Trung đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Các hoạt động liên quan đến sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, đầu tư hạ tầng nông thôn được ưu tiên thực hiện, góp phần nâng cao đời sống người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của Vị Trung là hơn 42 triệu đồng/người/năm.

Không ngừng xây dựng, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng

Năm 1999, Đảng bộ huyện Vị Thủy chỉ có 31 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy, 107 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở. Sau 20 năm xây dựng, kiện toàn đến nay, Đảng bộ huyện Vị Thủy có 50 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy, 178 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy Nguyễn Văn Vui cho biết: Nhiều năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng quy chế phân công từng đồng chí ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, trưởng, phó các phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện tham gia chỉ đạo và dự sinh hoạt hàng tháng với các chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở.

Từ đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ có sự chuyển biến tích cực, duy trì nghiêm chế độ sinh hoạt hàng tháng, nội dung sinh hoạt phong phú, bám sát các chỉ thị, nghị quyết cấp trên và nhiệm vụ của từng đơn vị. Sau đó, chi bộ cụ thể hóa thành nội dung lãnh đạo thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, Đảng bộ huyện đã xóa trắng tổ chức đảng yếu, kém.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đảng viên, cấp ủy luôn quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đảng, để mỗi quần chúng khi đứng vào hàng ngũ của Đảng đều nhận thức sâu sắc về Đảng, vai trò, trách nhiệm của người đảng viên trong xây dựng chi bộ nói riêng và xây dựng Đảng nói chung.

Công tác phát triển đảng được chú trọng thực hiện đi đôi với quy trình chặt chẽ, bảo đảm tiêu chí về tư tưởng chính trị, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, lối sống, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, đặc biệt không chạy theo số lượng, đã giúp Đảng bộ ngày càng vững mạnh. Lúc mới thành lập, Đảng bộ huyện Vị Thủy có 910 đảng viên; đến nay Đảng bộ huyện đã có tổng số 3.266 đảng viên, trong đó có 577 đồng chí được cử đi đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, 1.529 đồng chí được đào tạo về chính trị.

Ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, Vị Thủy cần ra sức phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng tiến công, phát huy những kết quả đạt được. Trong thời gian tới, Vị Thủy cần tiếp tục tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vị Thủy phải đoàn kết, thống nhất tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ huyện đến cơ sở, gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời quan tâm, chăm lo đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của huyện; nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu “nói phải đi đôi với làm, làm phải đến nơi, đến chốn”; nâng cao chất lượng, tính kỉ luật, kỉ cương trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

“Đối với bản thân là đảng viên cao tuổi, nhìn thấy sự đổi thay vượt bậc của huyện qua 20 năm, tôi rất vui mừng và cảm thấy tự hào cho quê hương mình. Thời gian tới, tôi sẽ quyết tâm cống hiến nhiều hơn nữa, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên, thực hiện tốt việc tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau”, ông Nguyễn Thành Nguyên, 82 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, cho biết.

Sau 20 năm, Vị Thủy từ vùng đất nghèo khó ngày nào, nay trở thành nơi cửa ngõ tỉnh lỵ của Hậu Giang, một trong những địa phương ổn định chính trị,  giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Giá trị sản xuất tăng bình quân gần 11%/năm, từ hơn 3.000 tỉ đồng năm 2015 tăng lên gần 3.500 tỉ đồng năm 2019. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ hơn 51 tỉ đồng năm 1999, đến nay tăng lên trên 2.000 tỉ đồng.

Chú thích ảnh
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho các cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Thu nhập bình quân đầu người năm 1999 là 4,7 triệu đồng/người/năm, 20 năm sau là 39 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách 20 năm trước là 9,1 tỉ đồng/năm, hiện nay là 480 tỉ đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo mới chia tách là hơn 38% nay chỉ còn 6,99%. Huyện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hộ sử dụng điện từ 32,8% năm 1999 tăng lên 99,9% hiện nay.

Vị Thủy hôm nay đã mang trên mình một diện mạo mới với "vóc dáng" khang trang, toàn diện và bền vững khi biết tận dụng lợi thế, tiềm năng, phát huy nội lực, tranh thủ sự ủng hộ của cấp trên và toàn xã hội, biết phát động phong trào thi đua gắn với khen thưởng kịp thời...

Duy Ba (TTXVN)
Những nốt nhạc vui ở vùng nông thôn mới kiểu mẫu
Những nốt nhạc vui ở vùng nông thôn mới kiểu mẫu

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010-2020) sau gần 10 năm thực hiện đã mạng lại những đổi thay rõ nét trên các miền quê vốn trước đây còn nhiều khó khăn, giờ đây đã thay da đổi thịt từng ngày, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, hiệu quả hơn; môi trường sinh thái được bảo vệ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN