Khởi công xây dựng tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”

Ngày 15/2, tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, nơi cách đây 51 năm, Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức lễ khởi công xây dựng tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự và phát động lễ khởi công.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đại biểu bấm nút khởi công xây dựng công trình. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN


Tượng đài “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” được xây dựng tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang, có vị trí sát chân núi Thổ Sơn, trên diện tích 10 ha. Tượng đài bố cục gồm 2 phần: Phía trước là nhóm tượng 7 nhân vật, trong đó tượng Bác Hồ ở vị trí trung tâm; phía sau là phù điêu biểu tượng cây đa Tân Trào, di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam. Hai mảng phù điêu hai bên khắc họa một số hình ảnh hoạt động, sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tuyên Quang, danh lam, thắng cảnh, kinh tế của tỉnh. Theo kế hoạch, các hạng mục tượng đài Bác Hồ, khán đài, đường giao thông, đài phun nước, nhà thắp hương sẽ được xây dựng trong giai đoạn đầu tiên.

Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng và khẳng định đây là công trình lịch sử đặc biệt quan trọng, thể hiện sự tôn kính, tình cảm sâu nặng vô bờ bến của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Chủ tịch nước nêu rõ, công trình hoàn thành sẽ có ý nghĩa chính trị to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ người Việt Nam; lưu ý các cấp chính quyền, đơn vị thi công cần chỉ đạo xây dựng công trình, bảo đảm chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật, không được để xảy ra bất kỳ sai sót nào.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, cách làm thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất để kế thừa, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, lưu giữ nhiều di tích lịch sử về Bác, được dựng tượng đài Bác là Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang phải là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong học tập và làm theo lời dạy, tấm gương đạo đức của Bác. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thử thách, đạt được kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn còn là tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang cần nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; trong đó, tập trung vào phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Kết luận Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, để khai thác, phát huy tốt những tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế của tỉnh theo chiều sâu, nhanh, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, gắn kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng, phát huy lợi thế toàn vùng.

Đồng thời, Đảng bộ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có kết quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay; trong đó, tập trung cao vào đấu tranh chống sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, điều mà đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đang hết sức trông chờ. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có quyết tâm cao và cách làm chặt chẽ, khoa học.

Trước hết các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực sự nghiêm túc, gương mẫu kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thẳng thắn, khách quan, trung thực về trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò nêu gương đối với cấp dưới, với quần chúng. Cán bộ chức vụ càng cao, yêu cầu gương mẫu và vai trò nêu gương càng phải cao. Phải phát huy dân chủ thực sự trong Đảng, đồng thời tổ chức để nhân dân góp ý xây dựng Đảng, thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đối với cán bộ đảng viên, tổ chức đảng và chính quyền các cấp.

Cùng với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước, xử lý nghiêm minh mọi cán bộ đảng viên có sai phạm; củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Trên cơ sở kết quả của công tác xây dựng Đảng, cần quan tâm xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh, quản lý có hiệu lực hiệu quả cao và đẩy mạnh cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị để Nhà nước ta thực sự là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, trong đó mọi cán bộ, công chức thực sự là công bộc của nhân dân như lời Bác Hồ dạy.

Hoàng Giang - Quang Đán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN