Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Bùi Tuấn Anh cho biết, từ bài học sau sự việc đau xót tại quận Cầu Giấy năm 2016, quận đã làm quyết liệt, giảm từ 99 cơ sở karaoke thời điểm đó xuống còn 70 cơ sở. Đến nay, quận đã vận động được 10 cơ sở chuyển đổi ngành nghề. Trong 60 cơ sở có phép kinh doanh karaoke, hiện còn 56 cơ sở hoạt động, 4 cơ sở không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy nên chưa hoạt động.
Theo Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, hoạt động karaoke chủ yếu về đêm nên quản lý rất phức tạp, quận đã thành lập tổ liên ngành để kiểm tra. Năm 2019, quận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiểm soát karaoke kinh doanh dịch vụ văn hóa, kiểm soát tệ nạn xã hội; kiểm tra 85 lượt, xử phạt 65 cơ sở, thu phạt gần 1,4 tỉ đồng, nhưng các quán vẫn cố tình hoạt động.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa sử dụng shisha, bóng cười, ma túy nhưng khi tổ liên ngành đi kiểm tra không có quán nào hoạt động.
Qua kiểm tra, tổ liên ngành đã xử lý 65 cơ sở và phát hiện 5 cơ sở lớn kinh doanh bóng cười, shisha và bình khí N2O. Với các đối tượng này, ngành chức năng đã xử phạt 579 triệu đồng, nhưng vẫn rất khó hạn chế.
"Chế tài xử lý rất kém, khi xử lý các quán sẵn sàng nộp phạt rồi hoạt động trở lại, lực lượng rất mất công. Cơ quan Công an cần có chuyên đề để xử lý dứt điểm" - Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho hay.
Trả lời chất vấn về vấn đề các quán karaoke có hoạt động "nhạy cảm", Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, Vũ Đại Phong cho biết: Ngay khi nắm được thông tin phản ánh của các cơ quan báo chí, UBND quận đã giao Công an quận cùng với UBND phường kiểm tra cơ sở karaoke 107 Bùi Thị Xuân. Tại thời điểm kiểm tra cơ sở này không có hoạt động, cũng không có khách.
“Quận đã báo cáo thành phố và đang chỉ đạo tăng cường công tác quản lý các loại hình kinh doanh này. Riêng quán karaoke 107 Bùi Thị Xuân, trong năm 2019, quận đã kiểm tra 4 lần và đã xử phạt hành chính về sử dụng lao động quá số người theo quy định cũng như các lỗi vi phạm quy định hành chính khác” - Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho biết.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động giải thích: trong các văn bản quy định pháp luật không có khái niệm quán bar, mà quán bar lấy từ việc kinh doanh của nhà hàng ăn uống, cộng thêm vui chơi giải trí nên có tên gọi như vậy. Việc kinh doanh quán bar, nhà hàng là loại hình kinh doanh có điều kiện, nhiều ngành quản lý. Cụ thể, ngành Công Thương quản lý như các mặt hàng: rượu uống, nước uống…; còn các lao động, nhân viên nhà hàng do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý; vấn đề an ninh trật tự do Công an quản lý...
Sở Văn hóa và Thể thao chỉ quản lý những hoạt động văn hóa nghệ thuật trong các quán bar, nhà hàng, nhưng theo quy định không phải cấp phép mà các nhà hàng chỉ phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa. Với trách nhiệm của ngành, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ cần quan tâm đến trách nhiệm liên quan đến mình; chính quyền các quận, huyện, phường xã quan tâm các vấn đề liên quan trên địa bàn mình; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để các chủ nhà hàng không lợi dụng quán bar, nhà hàng để hoạt động trái quy định. Ngoài ra, rất cần nhân dân phát hiện, giám sát những nhà hàng, quán bar biến tướng.
Liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, Trung tướng Đoàn Duy Khương - Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, việc xâm hại tình dục không chỉ diễn ra với trẻ nữ mà còn với trẻ nam.
"Công an Hà Nội đã có Kế hoạch 82 nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục đối với trẻ em, người chưa thành niên, phòng chống bạo lực gia đình. Công an Hà Nội đã chỉ đạo Công an các quận, huyện tập trung có giải pháp trọng tâm hiệu quả" - Trung tướng Đoàn Duy Khương nhấn mạnh và khẳng định, quan điểm của các cơ quan tố tụng thành phố luôn xử lý nghiêm khắc với loại tội phạm này.
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, tháng 8/2019, đoàn công tác của Quốc hội đã giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em tại Hà Nội. Đoàn giám sát đã chỉ ra những ưu điểm và 7 hạn chế, tồn tại vướng mắc trong báo cáo.
Đoàn đã ban hành kiến nghị thành phố thực hiện 9 nội dung trong giám sát này. Ngay sau khi có báo cáo giám sát, lãnh đạo UBND thành phố đã yêu cầu các ngành chức năng, quận, huyện và thị xã thực hiện ngay việc tăng cường công tác truyền thông, tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng, cam kết trách nhiệm hành động của các cấp, ngành, nhất là cha mẹ, người trông trẻ; tăng cường phối hợp liên ngành trong việc phát hiện, can thiệp, xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
UBND Hà Nội đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, ngành trong ngăn ngừa, trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực trên địa bàn thành phố. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm với Thành phố về việc xảy ra các vụ xâm hại trong nhà trường; Công an Hà Nội chịu trách nhiệm về tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn; UBND các quận, huyện và thị xã chịu trách nhiệm về xảy ra tình trạng không kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc xử lý không kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn...
Lãnh đạo UBND Hà Nội đã yêu cầu các ban, ngành chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về bảo vệ trẻ em; tiếp tục chỉ đạo, rà soát, kiện toàn đảm bảo phát huy vai trò trách nhiệm của ban chỉ đạo công tác trẻ em nhất là cấp cơ sở để đảm bảo việc phát hiện, giải quyết vụ việc kịp thời nhằm hỗ trợ trẻ hiệu quả.