Tại buổi làm việc, nội dung các thành viên trong Đoàn đặc biệt quan tâm, dành nhiều thời gian tìm hiểu là về Dự án Cáp treo Vũng Tàu (trước đó, ngày 3/12, Đoàn đã đi khảo sát thực tế tại dự án này) do Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu làm chủ đầu tư. Cụ thể, trong quá trình triển khai dự án đã có rất nhiều sai phạm về đất đai, xây dựng thì đến nay tỉnh đã xử lý đến đâu?, trong đó, tháng 10 và tháng 11/2019, chủ đầu tư này còn tiếp tục xây dựng biệt thự, san gạt đất trên núi mà không xin phép cơ quan chức năng; dự án thành phần “Cụm Dịch vụ Ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu” có liên quan đến Di tích lịch sử cấp Quốc gia Bạch Dinh đã hỏi ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa? Khi điều chỉnh dự án thủy cung này thì công tác đánh giá tác động môi trường, cảnh quan đã thật sự kỹ càng, trách nhiệm chưa vì đây là vị trí đặc biệt nhạy cảm (trước mặt Di tích lịch sử Quốc gia Bạch Dinh, sát ngay bãi tắm Bãi Trước thành phố Vũng Tàu)?; Hệ thống xử lý nước thải cho dự án lớn nhưng mới đây điều chỉnh quy hoạch nâng quy mô dự án lớn hơn thì hệ thống xử lý nước thải lại nhỏ đi, mà lại cho xả một phần ra biển? Dự án liên quan ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh như thế nào?
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Thanh Bình đánh giá, tỉnh đã có những bước chuyển mạnh về du lịch văn hóa và đang phát triển khá nề nếp. Tỉnh có tiềm năng, thế mạnh lớn để phát triển du lịch, nhất là về du lịch biển, truyền thống lịch sử, với nhiều đặc thù như Di tích lịch sử quốc gia Bạch Dinh, Cap saint Jaque, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam, Đạo Ông Trần (Long Sơn)… mà không nơi nào có được. Theo đó, ông Bình lưu ý tỉnh những vấn đề cần đẩy mạnh và phát triển du lịch bền vững, đóng góp lớn cho kinh tế-xã hội của tỉnh trong tương lai.
Đối với Dự án Cáp treo Vũng Tàu, ông Bình đánh giá, tỉnh đã rất thận trọng khi cho dừng dự án thành phần “Cụm Dịch vụ Ga cáp treo và Thủy cung Hòn Ngưu” để cân nhắc, đánh giá kỹ trước khi quyết định có cho tiếp tục triển khai. Theo ông Bình, việc xây dựng một dự án quy mô lớn từ cách đây hơn 20 năm đã phản ánh tầm nhìn rất xa của tỉnh trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, do đã quá lâu, đời sống và các quy định của pháp luật đã thay đổi nhiều, vì vậy, khi điều chỉnh dự án cần nhìn nhận, đánh giá dự án ở thời điểm hiện tại.
Ông Phan Thanh Bình lưu ý tỉnh cần đặt dự án trong tổng thể phát triển du lịch và dự án phải tôn được thế mạnh, vẻ đẹp đặc thù của tỉnh là biển và các di tích; phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các di sản văn hóa, thậm chí, công trình đã xây dựng rồi thì vẫn phải xem lại; dự án đặt ở vị trí rất “đắt” của tỉnh nên cần đánh giá kỹ năng lực của nhà đầu tư; rà soát kỹ lại quy trình cấp phép điều chỉnh dự án. Ngoài ra, ông Bình cũng yêu cầu tỉnh bổ sung các tài liệu về ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiệp thương của Bộ Quốc phòng, đánh giá tác động môi trường, kiến nghị của tỉnh đối với dự án.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn đã đánh giá cao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xây dựng kế hoạch rất bài bản để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian qua. Tuy nhiên, các thành viên cũng nhận định, tỉnh còn tài nguyên rất lớn về văn hóa để phát triển du lịch, nếu phát huy tốt sẽ thu hút du khách nhiều hơn; tỉnh cần rà soát lại các dự án đã được cấp phép trước thời điểm Luật Di sản (2001) và Luật Tín ngưỡng Tôn giáo (1/2018) có hiệu lực; đồng thời, sớm khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích để bảo vệ di tích…