Khẳng định vai trò của Phật giáo trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước

Ngày 12/10, tại tỉnh Thái Nguyên, Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Phật giáo ở Thái Nguyên với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước”.

Chú thích ảnh
Các đại biểu cùng đông đảo tăng ni, phật tử tham dự Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đông đảo các nhà khoa học, học giả uyên thâm về đạo Phật, các cấp quản lý nhà nước về tôn giáo cùng khoảng 1.000 tăng ni, phật tử tỉnh Thái Nguyên.

Phát biểu tại hội thảo, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Phật giáo hiện diện trên vùng đất Thái Nguyên từ khá sớm, qua các di vật khảo cổ có thể thấy, chùa Hương Ấp (Vạn Xuân Tự) thuộc xã Tiên Phong, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên là nơi xuất gia tu học của Vũ Lý Bí (503-548). Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước cũng như đặc thù của vùng trung du Bắc Bộ, Phật giáo Thái Nguyên chưa phát triển ngang tầm với một số tỉnh, thành phố khác ở lưu vực sông Hồng”.

Với ý nghĩa đó, trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, Phó Giáo sư Tiến sỹ Hoàng Thị Lan, Phó Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) mong muốn: Hội thảo sẽ làm rõ hơn những đóng góp của Phật giáo Thái Nguyên từ quá khứ đến hiện tại, thông qua việc tập trung làm rõ hai nội dung chính gồm: Bối cảnh, vùng đất, con người Thái Nguyên cùng đóng góp của Phật giáo Thái Nguyên cho Đạo pháp và Dân tộc trong lịch sử và Phật giáo Thái Nguyên với phong trào “hộ quốc, an dân” giai đoạn hiện nay, đặc biệt là việc phát huy nguồn lực Phật giáo trong phát triển kinh tế - xã hội ở Thái Nguyên.

Hơn 60 chuyên đề đã được các đại biểu trình bày tại hội thảo, trong đó tập trung vào hai chủ đề chính gồm: Phật giáo Thái Nguyên trong lịch sử đạo pháp và dân tộc; Nguồn lực Phật giáo trong phát triển ở tỉnh Thái Nguyên. Nhiều tham luận được các tác giả nghiên cứu sâu sắc, mang tính thực tiễn và lý luận cao, góp phần làm rõ mục đích của Hội thảo như: “Lý Nam Đế: Vị Vua đầu tiên gắn bó Phật giáo với dân tộc”; “Phật giáo Thái Nguyên trong dòng chảy Phật pháp và dân tộc”; “Phật giáo Thái Nguyên và khát vọng hòa bình, thịnh vượng của Việt Nam”; “Triết lý nhân sinh Phật giáo với đời sống tinh thần người Thái Nguyên”…

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 3 tôn giáo đã được Nhà nước cho phép hoạt động là: Phật giáo, Công giáo và Tin lành. Trong đó, Phật Giáo là tôn giáo lớn có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, với số lượng 70 chức sắc, hơn 1.000 chức việc, gần 97 nghìn tín đồ và 195 cơ sở thờ tự. Những năm qua, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thái Nguyên đã luôn nêu cao tinh thần hộ quốc, an dân, sống tốt đời, đẹp đạo, tăng cường đoàn kết tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định Phật giáo Thái Nguyên luôn đồng hành cùng dân tộc với những đóng góp tích cực cho Giáo hội, cho đất nước, khẳng định được niềm tin đối với tăng ni, phật tử trong cả nước cũng như các cấp lãnh đạo chính quyền thông qua những hoạt động Phật sự và hoạt động xã hội hết sức thiết thực, ích đạo lợi đời.

Tin, ảnh: Thu Hằng (TTXVN)
Phật giáo phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc
Phật giáo phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc

Chiều 10/10, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị của các vị giáo phẩm, chức sắc lãnh đạo Giáo hội với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN