Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ

Chiều 20/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp về hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Làm rõ làm rõ tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị đại diện cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp thảo luận, làm rõ tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nghị định; khả năng ảnh hưởng đến các hoạt động chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước; làm rõ khả năng thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, chuyển đổi số; bảo đảm tính hội nhập, hài hòa tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định trong các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam tham gia.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chuẩn bị ban hành ngay hướng dẫn thực hiện hồ sơ, thủ tục hành chính sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên môi trường điện tử, thực hiện song song với thủ tục thực hiện trực tiếp, “đến hết năm 2023 phải thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử”.

Để tăng cường năng lực quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sở hữu trí tuệ, bao gồm cả hồ sơ, thủ tục, trình tự xử lý, quản lý các tổ chức, cá nhân đã được cấp chứng nhận, thừa nhận, công nhận quyền sở hữu trí tuệ.

Nghị định cũng quy định rõ: Thành phần đầy đủ của các hồ sơ xin chứng nhận, công nhận quyền sở hữu trí tuệ; trình tự xử lý, thời gian giải quyết gắn với trách nhiệm của cơ quan, cá nhân; có cơ chế huy động các tổ chức, chuyên gia; từng bước khắc phục tình trạng năng lực cán bộ còn hạn chế, thiếu máy móc, trang thiết bị để giải quyết những hồ sơ phức tạp, yêu cầu cao. “Nghị định phải quy định rõ chỉ trả hồ sơ một lần sau khi tiếp nhận, do người có thẩm quyền chịu trách nhiệm, không để tình trạng trả đi, trả lại nhiều lần một hồ sơ”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, Nghị định cần cơ chế, quy định áp dụng hình thức công nhận, thừa nhận lẫn nhau về quyền sở hữu trí tuệ… với các quốc gia, đối tác, tổ chức quốc tế theo danh mục do Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ thiết lập.

Đối với các tranh chấp, khiếu nại về sở hữu trí tuệ, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng năng lực tổ chức, bộ máy giải quyết trên cơ sở huy động tổ chức, chuyên gia tư vấn, giám định độc lập; định rõ thời gian xử lý tranh chấp.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam… để sửa đổi, bổ sung các vấn đề kỹ thuật, làm rõ khái niệm, phân loại sản phẩm liên quan đến sở hữu trí tuệ… “Nghị định sau khi ban hành phải có lợi cho doanh nghiệp, người dân, khắc phục những bất cập hạn chế trong công tác quản lý về sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ…”, Phó Thủ tướng nói.

Nhiều điểm mới, nổi bật

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, theo Quyết định số 917/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, cho phép áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn nhưng phải đảm bảo lấy ý kiến của các đối tượng chịu dự tác động trực tiếp của văn bản.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành xây dựng nghị định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, dự thảo Nghị định đã được tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến của toàn bộ thành viên Chính phủ. Dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định theo đúng quy định.

Về một số điểm mới, nổi bật, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, việc quy định chi tiết quyền sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học - công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước sẽ tự động chuyển giao cho tổ chức chủ trì và không bồi hoàn quyền đăng ký, tức sẽ trở thành chủ sở hữu.

“Trong tổ chức chủ trì và triển khai nhiệm vụ công nghệ, thay vì nhà nước tiếp tục quản lý, thì trong thời gian triển khai rất bất cập, không nhân rộng thành hàng hóa, không mang lại giá trị tích cực vào nhiệm vụ khoa học công nghệ, sẽ giao trực tiếp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước. Đây là điểm mới so với trước đây”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nêu.

Bên cạnh đó là quy định chi tiết về danh mục các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng, trình tự, thủ tục kiểm soát an ninh đối với sáng chế, cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và quyền sở hữu công nghiệp đối với cơ quan được chỉ định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Điểm mới nữa là quy định chi tiết về thủ tục để công dân Việt Nam là luật sư được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp liên quan đến chỉ dẫn thương mại; từ đó cắt giảm điều kiện, tạo thuận lợi kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp thảo luận về tính hợp hiến, hợp pháp; tính bao quát, thống nhất và đồng bộ của luật, sự hài hòa các điều ước quốc tế… của dự thảo Nghị định.

Diệp Trương (TTXVN)
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm khuyến khích sáng tạo
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm khuyến khích sáng tạo

Ngày 26/4 tại TP Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Hội Sở hữu trí tuệ Thành phố tổ chức Hội thảo “Sở hữu trí tuệ và ngành công nghiệp sáng tạo trong kỷ nguyên số tại Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN