Ngày 30/10, tại buổi kiểm tra của đoàn công tác của tỉnh Quảng Nam ở hai huyện Đông Giang, Nam Giang, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam ghi nhận sự chủ động triển khai hiệu quả các phương án phòng, chống thiên tai của 2 huyện. Mặc dù đây là cơn bão lớn, kéo dài 7 giờ nhưng nhờ sự chuẩn bị chu đáo, kịp thời của chính quyền, 2 huyện có thiệt hại lớn về cơ sở vật chất nhưng không có thiệt hại về người.
Phó Bí thư Nguyễn Văn Dũng yêu cầu hai huyện cần tập trung khắc phục nhanh nhất để ổn định đời sống của nhân dân, chú trọng khắc phục nhà ở, tránh tình trạng người dân phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”; tuyệt đối không để người dân bị thiếu đói. Hai huyện cần tập trung lực lượng, phương tiện để nhanh chóng vệ sinh môi trường, không được để dịch bệnh bùng phát sau lũ lụt làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; tạo mọi điều kiện để người dân khôi phục sản xuất.
Theo đó, do ảnh hưởng của bão số 9, trên địa bàn huyện Đông Giang có 2 người bị thương nhẹ đã được cấp cứu và cứu chữa kịp thời; 154 nhà bị tốc mái, hơn 2.650 ha cây trồng các loại bị thiệt hại; 3 điểm trên đường Quốc lộ 14G bị sạt lở với khối lượng đất đá trên 800 m3, một số điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nhẹ, các tuyến đường huyện, xã bị sạt lở nhiều điểm với khối lượng đất đá trên 1.200 m3; 2 cầu treo Jơ Ngây và Kaf Dăng bị hư hỏng nặng…
Huyện Nam Giang có 1 người bị thương, 4 nhà ở bị cuốn trôi hư hỏng hoàn toàn; 10 phòng học của Trường Phổng thông - Trung học Nam Giang, một phần của Trung tâm Y tế huyện bị tốc mái; hơn 430 ha cây trồng bị thiệt hại, 1.134 con gia súc, gia cầm bị chết, khoảng 0,25 ha ao nuôi cá bị thiệt hại, nhiều công trình thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt tại các xã bị hư hỏng nặng,…