Nóng trong tuần:

Khám xét chỗ ở và làm việc của lái xe Chủ tịch Hà Nội và giải quyết vướng mắc ở bãi rác Nam Sơn

Khởi tố vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”; giải quyết dứt điểm những vướng mắc của người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn; giảm cấp trung gian và trên 20.000 biên chế... là những vấn đề nóng được dư luận quan tâm trong tuần qua.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở và làm việc của lái xe Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Liên quan đến việc khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của ba đối tượng về hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết: Cơ quan An ninh điều tra (A09) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” được quy định tại Điều 337, Bộ luật Hình sự năm 2015.

“Cơ quan An ninh điều tra thực hiện điều tra vụ án theo đúng trình tự pháp luật. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ”, Thiếu tướng Tô Ân Xô nêu rõ.

Trước đó, ngày 13/7/2020, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc đối với: Nguyễn Anh Ngọc (sinh năm 1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, đang công tác tại Phòng Thư ký biên tập, tổ giúp việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội); Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là lái xe của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội); Phạm Quang Dũng (sinh năm 1983, trú tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên cán bộ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an.

Vướng mắc tại bãi rác Nam Sơn đã cơ bản được giải quyết

Sau nhiều ngày người dân 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) ngăn cản xe chở rác vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn (thuộc bãi rác Nam Sơn), khiến cho rác rải sinh hoạt ù ứ trong nội đô, gây ô nhiễm môi trường đô thị; chiều ngày 17/7, người dân đã dỡ lều bạt, giải tán, ngừng chặn xe chở rác. Đến 14 giờ cùng ngày, xe rác đầu tiên đã chuyên chở rác vào bãi để xử lý theo quy định.

Chú thích ảnh
Hàng chục xe rác nối đuôi chờ đổ rác tại bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Trước đó, sáng 17/7, tại cuộc đối thoại với đại diện chính quyền và người dân 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn khẳng định, thành phố theo thẩm quyền đã ban hành cơ bản đầy đủ các chính sách liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác.

Do vậy, huyện Sóc Sơn cần tập trung chỉ đạo, sớm giải quyết vướng mắc để ổn định đời sống cho người dân. “Nơi nào cán bộ không đủ năng lực để thực hiện công việc thì được đề xuất thay thế…” ông Đào Đức Toàn nói và yêu cầu trước mắt huyện Sóc Sơn tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của người dân để gửi đến lãnh đạo thành phố về những nội dung vượt thẩm quyền xử lý để kịp thời tháo gỡ.

“Đề nghị các cấp và nhân dân các xã vùng ảnh hưởng môi trường tiếp tục giám sát, theo dõi việc triển khai và thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng, cán bộ ai không làm được, làm sai sẽ bị thanh tra tuýt còi”, ông Đào Đức Toàn nhấn mạnh. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị huyện Sóc Sơn tập trung đảm bảo tiến độ đền bù, phương án đền bù nào xong thì chi trả cho phương án đó trên tinh thần sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Nêu ý kiến tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Bình Hùng, người dân trú tại thôn Đông Hạ (xã Nam Sơn), cho biết, sở dĩ người dân chặn xe rác là do tiến độ di dân khỏi vùng bán kính 500m và việc đền bù, giải phóng mặt bằng quá chậm. Bên cạnh đó, giá đất tái định cư hiện có sự chênh lệch lớn với giá đất đền bù khiến việc ổn định đời sống của người dân sau di dời gặp khó khăn. Một số ý kiến người dân cũng cho biết, việc đền bù đất nông nghiệp hiện cũng rất chậm.

Đến nay, riêng tại hai xã Nam Sơn, Hồng Kỳ vẫn còn hơn 40 hộ dân chưa nhận được đền bù. Người dân trải qua thời gian dài không có tư liệu sản xuất nên rất bức xúc. Trả lời những vấn đề cụ thể mà người dân kiến nghị, tại cuộc đối thoại Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đất mà người dân đang sử dụng ổn định và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thành phố có chủ trương đền bù đầy đủ.

Nếu có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà sau đó thanh tra thành phố xác định là không đúng quy định thì cơ quan cấp giấy chứng nhận sẽ phải chịu trách nhiệm.

“Không ai được lợi dụng cơ chế, chính sách của thành phố để trục lợi. Các trường hợp vi phạm cần phải xử lý nghiêm… Tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cho người dân là ngân sách nhà nước, cũng là tiền thuế của nhân dân đóng góp”, ông Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ quan điểm.  

"Việc hỗ trợ đối với tài sản trên đất thì quy định pháp luật đã rất đầy đủ. Miễn là tài sản hợp pháp sẽ được hỗ trợ đầy đủ, kịp thời. Do đó, huyện Sóc Sơn cần vận dụng chính sách, bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho người dân. Song, trong quá trình thực hiện tránh tình trạng sách nhiễu người dân. Những gia đình phải di dời nhà ở nhiều năm để dành đất cho bãi rác sẽ được thành phố hỗ trợ tối đa để tạo thuận lợi người dân. Quan điểm của Chính phủ và thành phố là không bao giờ để người dân phải “màn trời chiếu đất”, sau khi người dân dành đất cho dự án công ích, thì chính quyền luôn tìm cách để người dân sau tái định cư có cuộc sống tốt hơn", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nói.

Để đẩy nhanh tiến độ di dời, đền bù giải phóng mặt bằng phạm vi bán kính 500 m tính từ chân tường rào bãi rác, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cử cán bộ của Trung tâm Quỹ đất phối hợp với huyện Sóc Sơn để thực hiện đo đạc, kiểm đếm nhanh hơn. Phương thức “cuốn chiếu” được áp dụng, làm đâu gọn đấy, tránh để kéo dài, người dân phải chờ đợi.

Ông Nguyễn Bình Hùng, người dân tại thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn, cho biết, sau cuộc đối thoại, người dân đã nhận thức được sự quan tâm của thành phố về việc giải quyết vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng. Những ý kiến phản hồi của thành phố sáng 17/7 đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của người dân.

Về công việc thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết, huyện sẽ tập trung lập ra và công khai phương án bồi thường, hỗ trợ đất ở theo chính sách hiện hành; trong đó, đẩy nhanh tiến độ dự án di dân khỏi vùng ảnh hưởng môi trường từ bán kính 500m. Những kiến nghị đề xuất của người dân phát sinh trong quá trình triển khai dự án, huyện sẽ được tổng hợp, đề xuất thành phố xem xét, có ý kiến chỉ đạo trên tinh thần bảo đảm tốt nhất chế độ, chính sách cho người dân.

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, sau gần 5 ngày người dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn ngăn chặn không cho xe chở rác vào khu xử lý chất thải, toàn thành phố tồn đọng gần 10.000 tấn rác thải. Thời gian tới, đơn vị sẽ huy động người và phương tiện để giải phóng nhanh nhất số rác thải đang tồn đọng tại các trạm trung chuyển cũng như ở khu dân cư.

Năm 2021 tiếp tục giảm trên 20.000 biên chế

Theo Bộ Nội vụ, 6 tháng đầu năm 2020, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, đánh giá mô hình tổ chức các tổng cục thuộc bộ và đã hoàn thiện việc đánh giá lại mô hình tổ chức cấp tổng cục, đề xuất phương án sắp xếp lại cho phù hợp theo hướng giảm cấp trung gian, trình Chính phủ theo quy định.

Chú thích ảnh
Cán bộ, nhân viên Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh hướng dẫn người dân, doanh nghiệp giải quyết các thủ tục hành chính. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN

Về quản lý biên chế, tinh giản biên chế và vị trí việc làm, Bộ Nôi vụ cho biết, trên cơ sở danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức đã được Ban Cán sự đảng Chính phủ thông qua, Bộ đang tổng hợp kết quả xây dựng bản mô tả và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức; xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm đối với viên chức (thuộc khối Chính phủ quản lý) và cán bộ, công chức cấp xã.

Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính của các bộ, ngành và địa phương (từ cấp huyện trở lên) năm 2020 là 251.135 biên chế, giảm 23.896 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 8,68%).

Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 1.834.724 người, giảm 150.040 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 7,56%).

Số người hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 70.755 người, giảm 13.322 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 15,84%). Trong số này, các bộ, ngành Trung ương biên chế công chức là 108.368 người, giảm 10.284 người so với năm 2015 (giảm 8,68%); người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập là 131.344 người, giảm 27.347 người so với năm 2015 (giảm 17,23%); người hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 8.914 người, giảm 2.483 người so với năm 2015 (giảm 21,79%).

Các địa phương có số biên chế công chức 142.767 người, giảm 13.612 người (giảm 8,7%) so với số giao năm 2015; số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập 1.703.380 người, giảm 122.693 người so với năm 2015 (giảm 6,72%); người hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 61.841 người, giảm 10.839 người so với năm 2015, giảm 14,91%.

Cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố hiện là 1.031.851 người, giảm 147.290 người so với năm 2015 (tương ứng giảm 12,49%). Trong đó, riêng số cán bộ, công chức cấp xã giảm do hợp nhất các đơn vị hành chính cấp xã là 9.534 người, giảm do thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố) là 20.864 người.

Kết quả thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP từ năm 2015 đến ngày 20/6/2020 là 57.815 người; trong đó: Ở Trung ương là 4.546 người, địa phương là 53.269 người.

Như vậy, biên chế do Chính phủ quản lý tính đến tháng 6/2020 đã giảm được 334.548 người, tương ứng giảm 94,34%. So với yêu cầu tại Kết luận số 17-KL/TW từ năm 2015 đến năm 2021 phải giảm 354.624 người thì năm 2021 còn phải tiếp tục giảm 20.076 người.  

V.T/Báo Tin tức
Nóng trong tuần: Tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19
Nóng trong tuần: Tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh hiện nay, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục điều hành, tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19 để phấn đấu tăng trưởng 3-4%. Việc chủ động vắc-xin là một yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Nhanh chóng điều tra vụ cháy kho hóa chất ở Long Biên để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/7/2020 là những vấn đề nóng trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN