Diễn đàn do Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công Thương; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” (Ban tổ chức 248); Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện doanh nghiệp đã tham dự Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nước ta đang ngày càng lớn mạnh, tăng nhanh về số lượng và quy mô, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình hỗ trợ vì cộng đồng, đất nước, xây dựng mối quan hệ gắn bó với các tầng lớp trong xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc như một sức mạnh văn hóa mềm chiếm lĩnh thị trường sản phẩm, dịch vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: Chính chiều sâu văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi giá, mà còn biết tuân thủ đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ môi trường... Các giá trị văn hóa giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để xác định đúng triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi, nâng tầm trong các hoạt động quản lý, quản trị, điều hành, trong ứng xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, từ đó tạo dựng được sự tin cậy, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó chính là chìa khóa và sự bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Theo Bộ trưởng, đất nước ta đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hoá dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh. Chính vì vậy, Việt Nam cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới, mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan toả “sức mạnh mềm” của văn hoá Việt Nam.
Bộ trưởng hy vọng, Diễn đàn sẽ là hoạt động thiết thực lan tỏa sâu rộng những ý nghĩa, thông điệp của Cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam”; nêu cao vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là “đòn bẩy” và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, hình thành đội ngũ ngày càng đông đảo các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, tiến tới tiệm cận với mặt bằng văn hóa kinh doanh thế giới để đất nước ta hội nhập quốc tế thành công và ngày càng trở nên phồn vinh, hạnh phúc.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề chính như: Vai trò, nội dung, tác động của chấn hưng văn hóa đến phát triển kinh tế bền vững; Những bài học thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là trong và sau đại dịch COVID-19; Giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hậu COVID-19, các xung đột địa-chính trị và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng: Văn hóa kinh doanh có thể sẽ không giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận ngay tức thì, nhưng đây sẽ là nền tảng giúp ngày càng tăng ngưỡng chịu đựng, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, vượt qua mọi thử thách. Xu hướng người tiêu dùng ưa thích các thương hiệu bền vững. Vì vậy, có thể thấy, phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp do doanh nhân dẫn dắt sẽ trở thành con đường duy nhất nếu doanh nghiệp muốn tiếp tục tồn tại và phát triển. Song song với đó, những hoạt động kinh doanh phi văn hóa, làm ăn chộp giật sẽ bị đào thải.
Kiến trúc sư Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng chia sẻ: Xây dựng văn hoá doanh nghiệp tốt đẹp vươn tầm thế giới sẽ giúp doanh nhân thành công và đó là đóng góp thiết thực nhất, có ý nghĩa nhất của doanh nhân Việt Nam trong việc chấn hưng văn hoá dân tộc song hành với hội nhập và phát triển kinh tế. Một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và văn minh cần phải đi cùng với một thế giới an toàn, ổn định và hoà bình.
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2022 cho 24 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng Quốc gia xét duyệt. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao chứng nhận cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tặng Bằng khen cho 13 tập thể có thành tích xuất sắc triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” và Ban Tổ chức 248 tặng Bằng khen cho 33 đơn vị đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” năm 2022.