Phiên họp toàn thể lần thứ 11 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh Dương Giang/TTXVN |
Chủ trì phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, phiên họp Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ diễn ra trong hai ngày, với nhiều nội dung lớn: Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính 3 xã Thường Thới Tiền, Thường Phước 2, Thường Lạc và thành lập thị trấn Thường Thới Tiền thuộc huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng sẽ thẩm tra các đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và dự án Luật Tố cáo (sửa đổi); thẩm tra đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2018.
Sáng cùng ngày, các thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra các đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).
Tạo lập môi trường phát triển có tính đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sau khi được chỉnh lý gồm 6 chương, 88 điều và 6 phụ lục, quy định nhiều nội dung về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước ở Trung ương tại đặc khu và của chính quyền đặc khu... nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập môi trường phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Liên quan đến quy định về ngân sách đặc khu, Điều 39 của dự án Luật được chỉnh lý, quy định rõ ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống ngân sách nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách đặc khu thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật này, đồng thời tạo cơ sở cho việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đối với các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung một số quy định đặc thù về ngân sách đặc khu. Có ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cần có Nghị quyết riêng cho từng đặc khu để tạo sự phát triển nhanh và tốt hơn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống phát biểu ý kiến đóng góp dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Về vấn đề chuyển tiếp đối với chính quyền địa phương ở đặc khu, để bảo đảm hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức, sắp xếp theo mô hình mới, dự án Luật bổ sung quy định chuyển tiếp tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương, theo đó HĐND, UBND huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) tiếp tục hoạt động cho đến khi HĐND, UBND đặc khu ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được bầu ra. Việc bầu cử HĐND đặc khu được thực hiện theo quy định tương tự tại Chương IX của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; UBND các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, sau khi thống nhất với thường trực HĐND và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập Ủy ban bầu cử để tổ chức bầu cử đại biểu HĐND đặc khu. Đồng tình với quy định này nhưng một số đại biểu cho rằng số lượng cán bộ HĐND ở đặc khu không nhất thiết phải là 15 người, có thể từ 9-11 người để bảo đảm tinh gọn bộ máy.
Để bảo đảm Luật sớm đi vào cuộc sống, các đại biểu đề nghị trước khi Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 5, Chính phủ có báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội về công tác triển khai thi hành Luật, trong đó có việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn quy định chi tiết thi hành Luật; bảo đảm tiến độ và nội dung chuẩn bị các Đề án thành lập đặc khu và các Nghị quyết thành lập đặc khu chuẩn bị trình Quốc hội thông qua cũng như các Nghị quyết khác có liên quan đến việc thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính thuộc các huyện Vân Đồn, Vạn Ninh, Phú Quốc (nếu có); triển khai kịp thời công tác chuẩn bị nhân sự, tổ chức bầu cử và hình thành đồng bộ bộ máy tổ chức thuộc hệ thống chính trị ở các đặc khu...
Bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người tố cáo
Cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), một số thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã góp ý về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo. Theo đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nghĩa vụ của người tố cáo là không được lăng mạ, xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự người bị tố cáo, bởi thực tế có trường hợp người tố cáo sử dụng từ ngữ rất nặng nề, xúc phạm người bị tố cáo. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung thêm quyền được trợ giúp pháp lý của người tố cáo, bởi có trường hợp do yếu tố khách quan, người tố cáo không thể viết đơn hoặc đi lại được, nếu có sự trợ giúp pháp lý sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện quyền của mình.
Đối với quy định bảo vệ người tố cáo, một số thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng về cơ bản, quyền và lợi ích hợp pháp người tố cáo, người liên quan đến người tố cáo đều được bảo vệ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, cần có những biện pháp tích cực, chủ động hơn để bảo vệ kịp thời, có hiệu quả quyền của người tố cáo. Cụ thể, cần bổ sung quy định bảo vệ người tố cáo của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; bổ sung quy định khi xác định được tội phạm bởi tố cáo, cần chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không nên quy định trong 5 ngày làm việc, để bảo đảm phù hợp với quy định về tố tụng hình sự. Cũng có ý kiến kiến nghị bổ sung quy định bảo vệ tài sản, người thân của người tố cáo nếu họ có yêu cầu, bởi thực tế cho thấy đã có trường hợp tài sản của người tố cáo đã bị xâm hại nặng nề sau khi tố cáo. Việc bảo vệ trong quá trình giải quyết tố cáo cần tập trung hơn vào các biện pháp mang tính tức thời, khẩn cấp, chủ yếu là trong trường hợp tính mạng, sức khỏe, vị trí công tác việc làm, tài sản của người được bảo vệ bị đe dọa, phân biệt đối xử, bị xâm hại. Các quy định này được bổ sung sẽ góp phần bảo đảm quyền, lợi ích của người tố cáo, khuyến khích được người dân tham gia tố cáo...
Chiều nay, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ thẩm tra các Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng và về việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu...