Hơn 1.200 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Quốc hội
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII khai mạc hôm nay, 21/5 và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 21/6/2012. Tại kỳ họp sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 7 nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn khai mạc. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN |
Quốc hội cũng sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng. Trong đó có báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn; tờ trình của Chính phủ về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế...
Trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ dành thời gian để xem xét vấn đề nhân sự.
* Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập hợp được hơn 1.200 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới Quốc hội.
Cử tri cả nước bày tỏ vui mừng vì những tháng đầu năm 2012, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nền kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Kinh tế vĩ mô được cải thiện một bước; xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; hoan nghênh và kỳ vọng vào kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa bền vững của nền kinh tế; lạm phát, giá cả vẫn ở mức cao. Sản xuất, đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn; chênh lệch giàu nghèo gia tăng. Tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa tốt. Cải cách thủ tục hành chính còn chậm. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi.
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo sớm có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động. Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu về vốn, về các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước, về đầu tư công… nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững, trả được vốn vay trong và ngoài nước.
Cử tri hoan nghênh Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, cử tri cho rằng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Một số địa phương chưa tổ chức tốt việc tiếp công dân, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; còn né tránh, đùn đẩy. Nhiều vụ việc chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm. Một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và thực tế gây bức xúc trong nhân dân.
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục dứt điểm tình trạng trên; giải quyết tới nơi tới chốn những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài.
Việc tổ chức cưỡng chế phải đúng trình tự pháp luật, có lý, có tình, phải đối thoại, vận động trước khi cưỡng chế. Cử tri đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện đúng pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, đùn đẩy, né tránh trong giải quyết khiếu nại tố cáo, để xảy ra tình trạng khiếu nại đông người, khiếu nại vượt cấp. Mặt khác, xử lý nghiêm đối với những trường hợp lợi dụng khiếu nại, tố cáo để kích động người khác tụ tập đông người trái pháp luật, gây rối an ninh trật tự.
Cử tri kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về tiếp công dân và sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo có giải pháp đồng bộ, quyết liệt kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; quan tâm đến việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, phương tiện giao thông công cộng, tổ chức, quản lý, điều hành giao thông.
Cử tri phản ánh, công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua mặc dù có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Cử tri cho rằng số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện xử lý chưa phản ánh đúng tình hình tham nhũng đang diễn ra. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, trong đó các vụ án nghiêm trọng, phức tạp thường bị kéo dài theo hướng thu hẹp vụ án. Tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn nhiều; tài sản bị tham nhũng hoặc bị thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn rất hạn chế.
Cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và có giải pháp đồng bộ, tập trung phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, sớm cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; sớm tổ chức lại cơ quan phòng chống tham nhũng đủ mạnh; sớm thực hiện chủ trương lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn...
Cử tri hoan nghênh những đổi mới bước đầu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, cử tri cho rằng việc tiếp xúc cử tri, thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri của nhiều đại biểu Quốc hội còn hạn chế.
Cử tri kiến nghị Quốc hội quan tâm hơn nữa đến việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri; đẩy mạnh hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, giám sát công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí...
PV - Thanh Hòa