Tham dự khai mạc Khóa huấn luyện có: Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổ phó Tổ Công tác liên ngành, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; ông Harinder Sood, Giám đốc quản lý Dự án ba bên của Liên hợp quốc; ông Kentaro Sonoura – cố vấn an ninh của Thủ tướng Nhật Bản; cùng đại diện một số cơ quan ngoại giao, phòng Tùy viên quốc phòng các nước cùng các chuyên gia Nhật Bản và học viên quốc tế tham gia Khóa huấn luyện.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh, việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là bước đột phá nhằm thực hiện đường lối đối ngoại của đất nước, đánh dấu sự thay đổi cả về chất và lượng trong hoạt động hợp tác đa phương nói chung, quốc phòng an ninh nói riêng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chuẩn bị Đội Công binh sẵn sàng triển khai tới một phái bộ phù hợp theo yêu cầu của Liên hợp quốc, việc Liên hợp quốc chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức khóa huấn luyện đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ chương trình cho thấy sự ghi nhận, đánh giá tích cực của Liên hợp quốc đối với những đóng góp của Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình.
Để Khóa huấn luyện diễn ra đúng mục đích, yêu cầu, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh đề nghị, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Tư lệnh Công binh, các cơ quan, đơn vị liên quan cần tập trung cao nhất, hoàn tất mọi công tác chuẩn bị theo yêu cầu của các chuyên gia Liên hợp quốc và Nhật Bản. Quá trình huấn luyện, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên báo cáo, kịp thời xử lý những tình huống phát sinh, đảm bảo huấn luyện an toàn và đạt được kết quả tốt.
Khóa tập huấn có sự tham gia của 16 học viên đến từ Bhutan, Campuchia, Fiji, Indonesia, Myanmar, Nepal, Timor Leste, Singapore, Việt Nam dưới sự hướng dẫn, huấn luyện của 20 chuyên gia giàu kinh nghiệm về công binh của Nhật Bản. Khóa huấn luyện sẽ trang bị kiến thức, kỹ thuật, thực hành các kỹ năng sử dụng các trang bị công binh hạng nặng như máy ủi, máy xúc, máy san, đầu kéo... vào thực hiện các nhiệm vụ của đơn vị Công binh tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Chương trình đối tác ba bên được Liên hợp quốc khởi xướng từ năm 2014, nhằm nâng cao năng lực triển khai nhanh lực lượng hỗ trợ tại các Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hiện tại, chương trình đã và đang tập trung nâng cao năng lực cho các đơn vị Công binh của các nước, trong đó đã tổ chức các khóa huấn luyện thử nghiệm và chính thức tại một số quốc gia trên thế giới.
Trước đó, ngày 25/6/2018, Cục Hỗ trợ thực địa Liên hợp quốc đã chính thức chọn Việt Nam là một trong những địa điểm huấn luyện của Liên hợp quốc trong Chương trình đối tác ba bên tại khu vực Đông Nam Á. Khóa huấn luyện lần này đã góp phần khẳng định quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam, Liên hợp quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo Chương trình đối tác ba bên.