Đây là vấn đề được bàn thảo tại buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức ngày 3/12, nhằm đem đến cho người dân cái nhìn tổng quan về thực trạng cũng như chính sách, các giải pháp của ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam hiện nay, với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc; Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương Nguyễn Mạnh Quân.
Nhận xét về việc Viện Giám sát nguồn thu Mỹ đánh giá chỉ số quản trị tài nguyên ở Việt Nam đứng thứ 43, trong số 58 quốc gia được khảo sát và là quốc gia thấp nhất trong nhóm các quốc gia yếu kém, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng: Kết quả đánh giá và “chỉ số quản trị tài nguyên Việt Nam” nêu trên đối với Việt Nam chỉ mới đánh giá cho khoáng sản nhóm hóa thạch, chủ yếu là dầu khí. Đối với các loại khoáng sản khác, Viện Giám sát nguồn thu Mỹ chưa có điều kiện đánh giá. Do đó, số liệu này chưa phản ánh bức tranh toàn diện về ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam. Nhưng đây là thông tin đáng quan tâm và cần nghiêm túc nhìn lại thực trạng công tác quản trị khoáng sản trong thời gian qua.
Quy hoạch chưa lâu dài
Giải đáp về công tác lập quy hoạch khoáng sản bao gồm cả thăm dò, khai thác và sử dụng theo kiểu “3 trong 1” là rất rủi ro; thực tế công tác quy hoạch khoáng sản hiện nay còn yếu, Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Quân khẳng định: Phần lớn các quy hoạch khoáng sản kể cả ở Trung ương lẫn địa phương chưa bảo đảm tính định hướng lâu dài. Việc bổ sung quy hoạch một cách thường xuyên cũng cần rà soát để rút kinh nghiệm, nhằm bảo đảm đúng quy định về bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đã được quy định tại Điều 14 Luật Khoáng sản. Thực tế công tác điều tra cơ bản vẫn là khâu yếu do ngân sách nhà nước cấp chỉ đáp ứng được 40%, nên chưa khẳng định cụ thể được trữ lượng của từng loại khoáng sản, chỉ mang tính dự báo là chính. Chưa kể việc quy hoạch còn chồng lấn, khiến cho công tác quản lý khai thác và chế biến khoáng sản gặp rất nhiều khó khăn.
Dây chuyền khai thác Ilmenite của công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh tại khai trường huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Trọng Đạt - TTXVN |
Về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Luật Khoáng sản năm 2010, theo Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc: Nghị định 22 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã ban hành từ tháng 3/2012, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai vì còn thiếu văn bản hướng dẫn. Do đó, kể cả Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, thành phố chưa cấp phép thông qua đấu thầu, mà chủ yếu là giải quyết hồ sơ tồn đọng đã tiếp nhận trước ngày 1/7/2011.
Qua kiểm tra đối với 957 giấy phép thăm dò, khai thác của các địa phương do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cho thấy, có gần 80% giấy phép thăm dò (trong tổng số 163 giấy phép thăm dò) do địa phương cấp ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhưng chưa phê duyệt khu vực không đấu giá và không qua lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò theo quy định của Điều 36 Luật Khoáng sản; Điều 13, Điều 35 Nghị định 15.
Giải thích về việc hơn 50% trong tổng số 957 giấy phép khai thác khoáng sản được chính quyền địa phương cấp từ năm 2011 đến năm 2012 không đúng quy định, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc đã chỉ rõ nguyên nhân là do nhận thức chưa đầy đủ, kịp thời về các quy định của Luật Khoáng sản của cán bộ tiếp nhận hồ sơ, cán bộ thẩm định hồ sơ và người có thẩm quyền ký. Mặt khác, thiếu sự quan tâm chỉ đạo trong việc lập quy hoạch khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để làm cơ sở cấp phép hoạt động khoáng sản theo đúng quy định. Lực lượng cán bộ làm công tác này ở địa phương vừa thiếu vừa yếu về nghiệp vụ chuyên môn.
Nguyên nhân nữa là một số nhà máy, xưởng chế biến khoáng sản mới được xây dựng, hoặc đang vận hành dựa trên cơ sở nguyên liệu của các mỏ đã được cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản năm 1996 và năm 2005, đến nay các giấy phép này đã hết hạn, tạo sức ép về nhu cầu nguyên liệu nên các địa phương tiếp tục gia hạn giấy phép.
Thực tế nhiều mỏ lớn đáng lẽ phải được Trung ương cấp phép khai thác, nhưng lại lách luật bằng cách chia nhỏ để địa phương được cấp, phần lớn những vụ việc này chỉ diễn ra trước thời điểm Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực. Hiện nay, theo quy định của khoản 2 Điều 82 Luật Khoáng sản 2010, UBND cấp tỉnh chỉ cấp phép hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản khác sau khi khu vực đó đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Theo đó, tiêu chí khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được quy định cụ thể tại Điều 11 và phụ lục của Nghị định 15. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ chỉ đạo tăng cường kiểm tra các khu vực khai thác theo giấy phép do địa phương cấp phép, để rà soát, đề nghị điều chỉnh đối với các khu vực đã cấp phép nhưng có quy mô công nghiệp.
Nhằm khắc phục một trong những “lỗ hổng” trong hoạt động khai thác khoáng sản, đó là Nhà nước chỉ thu thuế của doanh nghiệp dựa trên sản lượng khai thác mà doanh nghiệp khai báo, Vụ trưởng Nguyễn Mạnh Quân cho rằng thuế tài nguyên cần chuyển từ cách tính theo sản lượng khai thác, sang tính theo trữ lượng khoáng sản được phê duyệt, tùy thuộc vào loại hình khoáng sản. Miễn giảm thuế đối với phần trữ lượng khai thác tăng thêm tùy theo từng trường hợp, để các doanh nghiệp tăng cường tận thu và tiết kiệm khoáng sản, vừa tránh được thất thu thuế.
Đề cập đến ô nhiễm môi trường trong hoạt động khoáng sản, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã chính thức được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Dự thảo Luật lần này có 160 điều trong 19 chương. Dự thảo có 4 điều quy định liên quan đến khai thác khoáng sản, trong đó có 2 điều quy định trực tiếp tới trách nhiệm bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản.
Văn Hào