Bởi vậy, việc đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý là biện pháp rất quan trọng và cần thiết, trong đó thi tuyển chức danh lãnh đạo được coi là cách làm mới, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, đồng thời chống lạm quyền đối với những người được trao quyền trong công tác cán bộ.
Đi tiên phong trong đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý, ngay trước thềm Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XII), Ban Tổ chức Trung ương đã công khai tổ chức thi tuyển các chức danh Vụ trưởng: Vụ Chính sách cán bộ, Vụ Cơ sở Đảng và Vụ Địa phương III.
Việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần lựa chọn được những người xứng đáng, có đức, có tài, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Công khai thi tuyển sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng khép kín, cục bộ trong công tác tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, cũng như khắc phục tình trạng thao túng, lạm quyền, lợi ích nhóm và tham nhũng trong công tác này.
Quá trình chuẩn bị thi tuyển đã được Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng thi tuyển chuẩn bị kỹ càng, chặt chẽ, xem xét nhiều mặt, kỹ lưỡng, đảm bảo công tâm, khách quan, trung thực, đúng các quy định được ban hành. Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển nhấn mạnh, qua thi tuyển tạo ra phương thức, cách làm mới trong quá trình bổ nhiệm, đề bạt cán bộ.
Cuộc thi tuyển này đã được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ hơn một tháng. Đối tượng được đăng ký dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức trong quy hoạch ở các chức danh cùng cấp hoặc tương đương, "nhưng không giới hạn trong phạm vi cơ quan, đơn vị đó, mà mở ra bao gồm cán bộ, công chức, viên chức đã được quy hoạch ở các vị trí, chức vụ tương đương, đang làm việc trong cùng bộ, ban, ngành, địa phương nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định" góp phần tăng tính cạnh tranh trong công tác tuyển chọn cán bộ.
Hội đồng thi tuyển không chỉ có các thành viên trong Ban Tổ chức Trung ương mà còn có 4 thành viên đến từ Bộ Nội vụ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Học viện Hành chính Quốc gia. Đánh giá về việc thi tuyển, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho rằng, đó là "bước đột phá để tiếp tục hoàn thiện quy trình và tăng tốc quá trình đổi mới công tác cán bộ với tư cách là khâu then chốt của then chốt".
Còn theo Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý mới chỉ là khâu đầu tiên trong công tác cán bộ. Quan trọng hơn là sau thi tuyển, cần có cơ chế kiểm soát, giám sát quá trình làm việc của những người được bổ nhiệm thông qua thi tuyển.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã ban hành Quy chế 02 về việc thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng. Theo đó, từ nay đến hết quý I năm 2020, việc bổ nhiệm mới từ vị trí cán bộ giữ chức danh thấp lên chức danh cao hơn ở Quảng Ninh bắt buộc phải thực hiện thông qua thi tuyển. Đây là những chuyển động tích cực, cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư về chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý còn nhằm khắc phục tình trạng xem lý lịch, xét bằng cấp, sắp đặt trước các vị trí công việc, mà không căn cứ vào năng lực thực tiễn của cán bộ. Điển hình cho hậu quả của việc sắp đặt trước vị trí công việc, vừa qua Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã phải ký quyết định thu hồi và hủy quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ.
Ông Hoàng được Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ ký Quyết định chuyển công tác về UBND thành phố Cần Thơ vào ngày 17/2/2016, khi đang du học ở Nhật Bản. Đến ngày 26/2/2016, ông Hoàng được lãnh đạo UBND thành phố ký quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ.
Ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, thi tuyển các chức danh quản lý là một "sân chơi" công bằng cả cho những cán bộ thuộc hàng "con ông cháu cha", thực sự có năng lực, phẩm chất tốt, được công khai chứng tỏ bản lĩnh, trình độ của mình để đàng hoàng đảm nhận những vị trí công việc, những trọng trách phù hợp với bản thân, mà không phải chịu điều tiếng, bùa rìu của dư luận.
Với việc tổ chức thi tuyển chức danh Vụ trưởng vừa qua, Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan đi tiên phong trong 14 bộ, ngành Trung ương và 22 địa phương thực hiện chủ trương thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Lần đầu tiên, một cơ quan tham mưu của Đảng về công tác cán bộ tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, mở đầu cho việc đổi mới trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ nói riêng và trong công tác cán bộ nói chung. Kết quả của kỳ thi tuyển sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm, là tiền đề cho các cuộc thi tiếp theo.