Kết luận ban đầu về vụ ‘thảm họa y tế’ khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong

Ngày 8/6, Hội đồng chuyên môn tỉnh Hòa Bình đã họp và đưa ra kết luận kiểm thảo ban đầu về nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều đến sự bất thường về nguồn nước RO sử dụng trong chạy thận..

Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu gồm có hồ sơ bệnh án, các tài liệu liên quan và bản tường trình của các cá nhân liên quan, các thành viên Hội đồng đã thảo luận và khẳng định: “Đây là một thảm họa y tế lớn, các bệnh nhân đều trong tình trạng hết sức phức tạp”.


Về chẩn đoán, trên cơ sở biểu hiện của 18 bệnh nhân lọc máu với các biểu hiện tương đối giống nhau trong cùng một thời điểm, Hội đồng chuyên môn nghĩ đến Hội chứng ngộ độc cấp qua đường máu do cùng một nguyên nhân gây ra với các biểu hiện tổn thương đa cơ quan (hô hấp, tuần hoàn, gan, thận, máu...).


Về nguyên nhân, ở thời điểm hiện tại, Hội đồng chuyên môn chưa đủ căn cứ, cơ sở và bằng chứng khoa học để kết luận khẳng định chắc chắn nguyên nhân của sự cố trên (do chưa có kết quả xét nghiệm, phân tích nguồn nước RO và kết quả khám nghiệm tử thi...).


Tuy nhiên, Hội đồng chuyên môn nghĩ nhiều đến sự bất thường của nguồn nước RO sử dụng trong quá trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Đơn nguyên Thận nhân tạo,  Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.


Ngoài ra, các thành viên hội đồng đều thống nhất quy trình tiếp nhận, khám, nhận định, đánh giá, thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể cho bệnh nhân trước khi lọc máu là phù hợp. Khi phát hiện bệnh nhân trong quá trình lọc máu có dấu hiệu bất thường, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình đã có các biện pháp xử trí như: Dừng lọc máu, cho thở ôxy, sử dụng các biện pháp cấp cứu…


Các bệnh nhân có diễn biến nguy kịch như: Suy hô hấp, ngừng tuần hoàn, trụy mạch đã được xử trí cấp cứu tại chỗ và vận chuyển đến khoa Hồi sức tích cực là phù hợp với quy trình chuyên môn kỹ thuật…


Tuy nhiên, đây là một thảm họa y tế lớn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình còn thiếu kinh nghiệm, phương tiện, nhân lực, kiến thức xử trí tình trạng thảm họa.


Được biết, kết luận ban đầu này của Hội đồng chuyên môn sẽ được báo cáo về Bộ Y tế. Song, để có kết luận cụ thể, chính xác về nguyên nhân vụ việc thì cả Bộ Y tế cũng cần phải chờ kết luận điều tra cuối cùng của cơ quan công an.


Trước đó, Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân vụ tai biến nghiêm trọng ngày 29/5 tại Bệnh đa khoa tỉnh Hòa Bình được thành lập ngay sau vụ tai biến, gồm 12 thành viên. Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, đồng thời là đại biểu Quốc hội bà Bùi Thu Hằng làm chủ tịch hội đồng.


Ngoài ra, còn có 7 cán bộ là lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở Y tế, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và 4 chuyên gia đến từ Bệnh viện Bạch Mai gồm: TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, TS Đào Xuân Cơ, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Thsĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu (A9).


Tin, ảnh: Phương Liên/Báo Tin Tức
Cần một bộ tiêu chuẩn cho chạy thận nhân tạo
Cần một bộ tiêu chuẩn cho chạy thận nhân tạo

Vụ tai biến chạy thận nhân tạo ngày 29/5, tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 bệnh nhân tử vong được đại diện Bộ Y tế khẳng định là vô cùng nghiêm trọng. Vậy cần làm gì để tránh những sai sót dù là nhỏ nhất có thể xảy ra trong lọc máu thận nhân tạo?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN