Hướng tới thống nhất các lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đưa ra cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên họp Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Dự án Luật được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, chức danh, mối quan hệ công tác của lực lượng này; đồng thời, tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách khi kết thúc nhiệm vụ Công an xã; bảo đảm cơ sở để bãi bỏ Pháp lệnh Công an xã khi đã hoàn thành việc bố trí Công an xã chính quy.

Giảm được 500.000 người khi thống nhất 3 lực lượng tại cơ sở

Hiện nay, 3 lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở gồm: bảo vệ dân phố; dân phòng; Công an xã, thị trấn bán chuyên trách. Bộ Công an xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, tương xứng để tiếp tục tập hợp, huy động, huấn luyện, sử dụng các lực lượng quần chúng tham gia phối hợp với lực lượng Công an chính quy, phục vụ đắc lực sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

Bộ Công an cho rằng, việc bố trí ba lực lượng trên hiện có tình trạng không thống nhất. Một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng với tên gọi khác nhau, có tính chất tương đồng, rất khó phân biệt (nhiệm vụ, quyền hạn, trang phục…), dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn. 

Theo số liệu của Bộ Công an, hiện nay, lực lượng bảo vệ dân phố có tổng số 72.456 thành viên; lực lượng dân phòng có 543.095 đội viên; còn lực lượng Công an xã, thị trấn không phải Công an chính quy đã kết thúc nhiệm vụ Công an xã và tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn là 126.084 người. Như vậy, số lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sẽ là hơn 741.500 người. Mỗi thành viên được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ hằng tháng, được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. 

Bộ Công an khẳng định, việc đề xuất xây dựng, thông qua luật không làm phát sinh tăng biên chế, không tăng chi ngân sách nhà nước, ngược lại, còn góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách nhà nước. Theo đó, việc bố trí, sắp xếp lại ba lực lượng sẽ giảm khoảng 500.000 người. Với số đơn vị cấp thôn trên cả nước hiện nay, ngân sách Nhà nước phải chi 600 tỷ đồng/tháng cho gần 2 triệu người thuộc 3 lực lượng theo quy định hiện hành. Nếu Luật này được thông qua và triển khai, lực lượng chỉ còn khoảng 1,5 triệu người với mức chi vào khoảng 450 tỷ đồng/tháng, tức cắt giảm được 150 tỷ đồng/tháng.

Đảm bảo tính khả thi

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là dự án Luật có vai trò quan trọng, liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, tác động đến đời sống nhân dân. Do vậy, cần phải tiến hành đánh giá tác động kỹ lưỡng, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Dự thảo Luật có nội dung quan trọng, thể chế hóa nhiều quy định của Nhà nước liên quan đến tổ chức bộ máy, kinh phí, ngân sách, chế độ, chính sách, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chính quyền và nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo Luật tiếp tục nghiên cứu, rà soát các điều luật, bám sát mục tiêu xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với vai trò là lực lượng quần chúng tự nguyện, tránh việc chính quy hóa, làm thay cho lực lượng chính quy và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, rà soát các quy định hiện hành về lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và lực lượng Công an xã bán chuyên trách, đặt trong tổng thể đang triển khai Đề án chính quy Công an xã và Luật Công an nhân dân để xây dựng nội dung của Luật này.

Luật cần tính toán hợp lý để bố trí lực lượng tương thích với từng địa bàn; rà soát kỹ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cho phù hợp với vị trí, tính chất là lực lượng quần chúng tự nguyện. Luật đã có quy định về quyền hạn thì cần phải bổ sung quy định về trách nhiệm, làm rõ quy trình, cách thức trong thực thi nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả trong đảm bảo an ninh, trật tự, tránh tình trạng lạm quyền.

Ban soạn thảo cần rà soát, cân đối các quy định về chế độ, chính sách, điều kiện đảm bảo các quy định về hỗ trợ, bồi dưỡng kinh phí, chế độ bảo hiểm, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tính chất tự nguyện, không thường xuyên của lực lượng này.

TTXVN/Báo Tin tức
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 11/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN