Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào đánh giá năm 2022 là năm có ý nghĩa lịch sử trọng đại khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Lào đang cùng với nhân dân Việt Nam phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực để kỷ niệm hai ngày lịch sử quan hệ Việt Nam - Lào 2022 gồm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác.
Trải qua một thời kỳ dài đầy biến động từ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh, không ngại phong ba bão táp và cho đến hôm nay, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào ngày càng được tăng cường. Hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã nâng tầm mối quan hệ và hợp tác trên tất cả các lĩnh vực lên tầng cao mới, chưa từng có trong lịch sử quan hệ giữa hai dân tộc.
Trong suốt năm 2021, dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhưng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào chẳng những không hề lay chuyển mà ngày càng được nâng cao chất lượng, không ngừng phát triển để cùng nhau bảo vệ và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Trong năm 2022, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đều rất vui mừng khi cùng nhau kỷ niệm hai ngày lịch sử quan trọng trong mối quan hệ và hợp tác giữa hai nước. Thời gian qua, đặc biệt là trong những năm gần đây, mặc dù tình hình khu vực và thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp như thiên tai liên tục xảy ra và nhất là sự bùng phát của dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đối với hai nước, nhưng dưới sự lãnh đạo nghiêm túc, sâu sát của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chính phủ hai nước, cùng với những nỗ lực tích cực của các Bộ, Ban, Ngành, địa phương và toàn thể người dân hai nước, quan hệ giữa hai nước vẫn phát triển tốt đẹp. Dù gặp khó khăn do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, nhưng lãnh đạo cấp cao hai nước vẫn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi dưới nhiều hình thức và cách thức, điều mà ít nước trên thế giới có thể thực hiện được.
Đầu năm 2022, hai bên tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu lực các cơ chế hợp tác, tổ chức thực hiện các tuyên bố chung, các hiệp định, thỏa thuận, văn kiện hợp tác song phương cũng như kết quả chuyến thăm và làm việc giữa lãnh đạo cấp cao của trung ương và địa phương dưới nhiều hình thức phù hợp; phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động nhân Năm Đoàn kết hữu nghị 2022; quan tâm phòng chống tội phạm ma túy, buôn bán người, buôn lậu, khai thác tài nguyên trái phép…
Trong hợp tác kinh tế, đến nay đã có 417 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào với tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD, đứng thứ 3 trong tổng số 54 nước và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Lào. Năm 2021, Chính phủ Lào đã cấp phép cho 3 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 2 dự án trong lĩnh vực khai khoáng và 1 dự án trong lĩnh vực ngân hàng. Cùng với đó, Chính phủ Lào cũng đang tiếp tục phối hợp xử lý các vấn đề khó khăn trong việc triển khai một số dự án quy mô lớn của doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất nông – lâm nghiệp để có thể triển khai theo đúng nội dung thỏa thuận đã ký kết.
Theo ông Khamjane, đầu năm 2022, hai bên cũng đã nhất trí đánh giá, phân tích cơ hội đầu tư tại Lào cho các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2025, xác định phương hướng đến năm 2030; tăng cường thúc đẩy, ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam có năng lực về tài chính, chuyên môn vào đầu tư tại Lào trong các lĩnh vực nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến sản xuất, lĩnh vực có nhiều thế mạnh tại các khu vực dọc theo tuyến biên giới Việt Nam – Lào, góp phần giải quyết tình trạng đói nghèo.
Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Trong năm 2022, hai nước phấn đấu nâng tổng kim ngạch thương mại lên 10-15% theo mục tiêu hai bên đã thống nhất trong giai đoạn 2021-2025; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tại khu vực biên giới hai nước tăng cường trao đổi thương mại.
Trong thời gian qua, hai nước cũng đang nỗ lực đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, trong đó có kết nối cơ sở hạ tầng cứng và mềm, đặc biệt là các dự án đường bộ, đường sắt, đường không và cảng biển như dự án sân bay Nongkhang, dự án cầu cảng Vũng Áng 1,2,3, dự án đường sắt Lào - Việt Nam; dự án cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn…
Trong lĩnh vực hợp tác năng lượng, đến nay, phía Lào đã ký tổng cộng 18 Hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) với tổng công suất lắp đặt 2.180 MW. Trong đó, một số dự án đã hoàn thành bán điện sang Việt Nam, tổng công suất lắp đặt 572 MW như Xekamane 1, Xekamane Xansay. Năm 2022, hai bên tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp hai nước hợp tác phát triển các dự án điện năng tại Lào, tăng cường kết nối hệ thống điện và mua bán điện giữa hai bên…
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Lào nhấn mạnh các kết quả hợp tác mà hai ngành Kế hoạch Đầu tư, cũng như Ủy ban hợp tác hai nước Lào - Việt, Việt - Lào đạt được trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc phát triển mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Lào ngày càng đi vào chiều rộng lẫn chiều sâu.