Đến thời điểm này, 10 địa phương gồm: Bắc Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Hậu Giang, Hải Dương, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Phòng và Thái Nguyên đã hoàn thành 100% cấp xã có tổ công nghệ số cộng đồng. Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các tổ công nghệ số cộng đồng được coi là cánh tay nối dài của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và tại địa phương là cánh tay nối dài của chính quyền, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, để thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số của quốc gia, của tỉnh, huyện, xã, phường, thôn, phố. Tổ công nghệ số cộng đồng hướng tới thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó sẽ trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ.
Là một trong những địa phương triển khai chương trình Tổ công nghệ số, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Lạng Sơn cho biết, từ ngày 12/5 đến nay, Tổ công nghệ số cộng đồng tại Lạng Sơn đã tập trung “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng nền tảng “Công dân số Xứ Lạng” và các ứng dụng thương mại số, thanh toán số. Với sự tham gia của lực lượng này, đến ngày 8/6, Lạng Sơn đã phát triển được hơn 8.140 tài khoản “Công dân số Xứ Lạng”, hơn 19.870 tài khoản thương mại số, hơn 1.370 tài khoản thanh toán điện tử, hơn 126.560 cửa hàng số. Tính đến tháng 6/2022, Lạng Sơn đã lập hơn 1.680 tổ công nghệ cộng đồng, với trên 7.770 thành viên. Tỉnh đã hoàn thành sớm chỉ tiêu 50% số hộ gia đình có cửa hàng số, tài khoản thanh toán điện tử. Đây là kết quả của việc triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng đóng góp vào chuyển đổi số địa phương, nhất là phát triển kinh tế số trên địa bàn.
Tại Thái Nguyên, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đang triển khai thử nghiệm mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến cuối tháng 5/2022, tỉnh đã thành lập hơn 2.250 tổ công nghệ số cộng đồng, với gần 17.000 thành viên để hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia chuyển đổi số.
Để thúc đẩy các địa phương triển khai hiệu quả mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng, thời gian tới, Cục Tin học hóa sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tiếp tục đôn đốc khẩn trương thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Đồng thời, Cục Tin học hóa đề nghị các địa phương tuyên truyền kênh Zalo đến các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia kênh chuyển đổi số quốc gia; tăng cường phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ thuộc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và đội ngũ cán bộ Đoàn của tỉnh, thành phố. Đồng thời, Cục Tin học hóa sẽ tiến hành xây dựng tài liệu hướng dẫn các thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng triển khai các nền tảng số quốc gia phục vụ người dân.