Tại hội thảo diễn ra ở Paris, các đại biểu đã phân tích các khía cạnh pháp lý và chính trị-chiến lược của những căng thẳng khu vực và quốc tế liên quan đến tranh chấp chủ quyền và hoạt động của các bên ở Biển Đông; vai trò trong quá khứ và tương lai của Pháp và châu Âu trong việc góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực; những tiềm năng kinh tế, khoa học, môi trường và văn hóa của Biển Đông đối với các quốc gia tiếp giáp, đặc biệt là Việt Nam.
Các đại biểu nhất trí rằng giống như các khu vực hàng hải khác trên thế giới, Biển Đông phải là nơi giao thoa, trao đổi, một không gian kết nối và hợp tác giữa các quốc gia. Những hành vi đe dọa và bá quyền không thể được chấp nhận. Đối thoại được khuyến khích nhằm giải quyết xung đột bằng con đường hòa bình. Nhiều đại biểu nhấn mạnh trên thực tế, những năm qua, hợp tác trên Biển Đông đã có nhiều bước phát triển cả trong quan hệ song phương lẫn đa phương, trong đó phải kể đến chương trình hợp tác nghề cá tại Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, hợp tác chống cướp biển, “Sáng kiến tam giác san hô” nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên biển và ven biển giữa 6 quốc gia Indonesia, Malaysia, Papua-New Guinea, Philippines, quần đảo Solomon và Timor Leste...
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng rất nhiều thách thức đang nảy sinh, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Nhiều hoạt động quân sự hóa và thay đổi nguyên trạng, những hành động khiêu khích đơn phương đi ngược lại lợi ích của các quốc gia tiếp giáp Biển Đông, đã gây ra lo ngại sâu sắc trong cộng đồng quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) đã hai lần nêu quan điểm về vấn đề này, nhấn mạnh tầm quan trọng phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, kêu gọi tôn trọng quyền chính đáng của các quốc gia liên quan. Các đại biểu nhất trí rằng duy trì hòa bình, ổn định, cũng như thúc đẩy hợp tác và phát triển không chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia tiếp giáp Biển Đông, mà còn cho cả cộng đồng quốc tế nói chung.
Với vai trò ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Pháp luôn thể hiện sự quan tâm đến tình hình Biển Đông, thông qua việc tăng cường hợp tác hàng hải với các quốc gia trong khu vực. Pháp đang tích cực thực hiện chính sách hướng tới châu Á, chú trọng đến hợp tác vì an ninh và phát triển trên Biển Đông, trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Tổng thống Emmanuel Macron công bố năm 2018. Pháp tham gia các cuộc tập trận và đấu tranh chống các hoạt động bất hợp pháp đe dọa đến an ninh hàng hải, thông qua một hệ thống theo dõi hàng hải dựa trên hợp tác đa phương và tối ưu hóa mọi phương tiện. Ngoài ra, Pháp mở rộng chương trình hợp tác đào tạo, cố vấn quân sự và dân sự cho các nước đối tác trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề cập tới quan hệ Pháp-Việt. Trong hai năm qua, quan hệ giữa Pháp, một đầu tàu của EU, và Việt Nam, một nền kinh tế đang lên ở châu Á-Thái Bình Dương, không ngừng phát triển với động lực mới. Việc trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp cao giữa hai nước được tăng cường; hợp tác kinh tế có triển vọng đầy hứa hẹn, sau khi Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam.