Dự hội thảo tại điểm cầu Hòa Bình có: Đồng chí Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo; đồng chí Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân chủng Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, đồng Trưởng Ban Chỉ đạo hội thảo; đại diễn lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh Hòa Bình, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Tại hội thảo, đồng chí Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, 70 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã mở Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/2/1952) và giành thắng lợi. Chiến thắng Hòa Bình là một sự kiện quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự linh hoạt, sáng tạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh. Với chiến thắng to lớn này, quân và dân ta tiếp tục giữ quyền chủ động và phát triển thế tiến công chiến lược, trong khi thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng, bị mất quyền chủ động chiến lược. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình đánh dấu bước phát triển của quân đội ta về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, về khả năng chiến đấu liên tục dài ngày trên cả hai mặt trận chính diện và mặt trận rộng lớn sau lưng địch; đồng thời ghi nhận bước tiến mới về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là lần đầu tiên Quân đội ta huy động một lực lượng lớn bộ đội chủ lực tác chiến trên cả hai mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch; cũng là lần đầu tiên tiến công quân địch phòng ngự theo kiểu tập đoàn cứ điểm và giành thắng lợi.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn khẳng định, từ lịch sử đến hiện tại là một dòng chảy liên tục. Những giá trị lịch sử cần được tiếp nối, phát huy, trong đó có Chiến thắng Hòa Bình (1951 - 1952). Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Hòa Bình tiếp tục đoàn kết, nỗ lực quyết tâm cao hơn nữa, nắm bắt các cơ hội, phấn đấu xây dựng tỉnh Hòa Bình trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, vùng chiến lược quân sự quan trọng của đất nước, đồng thời là vùng kinh tế động lực của khu vực.
Tại hội thảo khoa học, các đại biểu đã tập trung thảo luận về chiến thắng tiêu diệt cụm cứ điểm trên đỉnh núi 600 Ba Vì; chiến thắng Hoà Bình – mốc son quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Đại đoàn 308 – Quân Tiên Phong; Đại đoàn 320 đẩy mạnh tác chiến ở đồng bằng Liên khu 3 phối hợp với chiến dịch Hòa Bình; lực lượng pháo binh trong Chiến dịch Hoà Bình; nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng trong Chiến dịch Hoà Bình; lực lượng vũ trang Liên khu 3 “chia lửa” với Chiến dịch Hoà Bình; đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch; quân và dân trên địa bàn Quân khu 2; công tác Đảng, công tác chính trị trong Chiến dịch Hoà Bình - bài học trong huấn luyện, đào tạo tại Trường Sỹ quan Chính trị hiện nay.
Hội thảo là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hòa Bình, là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của các thế hệ cha anh, tưởng nhớ đến các đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, trong đó có Chiến dịch Hòa Bình.