Sự kiện do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2024), 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024), hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng và Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhấn mạnh: Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, quân dân Việt Nam đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngay sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 8/5/1954, vấn đề Đông Dương được chính thức đưa lên bàn nghị sự tại Hội nghị Genève. Ngày 20/7/1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, từ đó mở ra một trang sử mới cho cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng cổ vũ, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Thượng tá Lê Vũ Huy khẳng định: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Cùng với đó là chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, tinh thần chiến đấu “thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, ý chí quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân, lực lượng vũ trang Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có sự đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của quân đội và nhân dân ba nước Đông Dương, sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước anh em, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Ban Tổ chức đã nhận được hơn 70 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, thầy, cô giáo đến từ nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo và trường học trong cả nước. Các bài viết tiếp tục làm sâu sắc và sáng tỏ những vấn đề liên quan đến hoàn cảnh lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ, âm mưu của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong Kế hoạch Navarre. Đồng thời làm rõ chủ trương, đường lối lãnh đạo đúng đắn, sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính trị, quân sự, ngoại giao; tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân, dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Các bài tham luận đi sâu phân tích sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Chiến dịch; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, trong đó có vai trò của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch; sự phối hợp giữa các địa phương, lực lượng vũ trang trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng thời, góp phần làm rõ tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Đông Dương, sự ủng hộ giúp đỡ to lớn của các nước anh em, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các bài viết cũng đánh giá đúng tầm vóc, nguyên nhân, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Điện Biên Phủ; tinh thần tự lực, tự cường của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay; giới thiệu những tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật, tác phẩm nhật ký, hồi ký liên quan.
Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh” góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; tôn vinh, tri ân sâu sắc các thế hệ người Việt Nam đã hy sinh xương máu, đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, sự kiện một lần nữa khẳng định và làm sáng tỏ về quan điểm, tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ đó các đại biểu đề xuất giải pháp góp phần phát huy hiệu quả giá trị di sản của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.