Bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chính đáng của đất nước
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự 3 Phiên thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng về các chủ đề “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, “Nỗ lục chung vì một hành tinh bền vững”, “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”; đồng thời tham gia hoạt động về Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7.
Tại các phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều thông điệp quan trọng như: Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương; phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm cân bằng, hợp lý; tinh thần thượng tôn pháp luật, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình..., trong đó việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, những phát biểu Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp được các nước đón nhận một cách rất tích cực. Việt Nam có kinh nghiệm của một nước đang phát triển, đang chuyển đổi, đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì vậy những thành tựu, kết quả cũng như khó khăn, vướng mắc của Việt Nam trong thời gian qua đều được Thủ tướng phát biểu một cách cân bằng, rất chân thành, được hội nghị đồng tình, chia sẻ, qua đó thể hiện được tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đóng góp vào xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, tiếp xúc song phương với lãnh đạo nhiều nước như: Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Canada, Thủ tướng Ấn Độ, Tổng thống Brazil, Tổng thống Ukraine... Tại các cuộc hội kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính thảo luận với lãnh đạo các nước nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao song phương.
Trong đó, đề cập các vấn đề hết sức cụ thể trong quan hệ hợp tác với các nước như: đề nghị Hàn Quốc tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, xây dựng thể chế, quản trị; đề nghị Canada hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo; với Ấn Độ, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, dịch vụ, tài chính - ngân hàng, du lịch, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; với Brazil ủng hộ việc sớm khởi động đàm phán hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)…
Thủ tướng Chính phủ cũng gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các tổ chức quốc tế như: Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Chủ tịch Hội đồng châu Âu... Tại các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng luôn nhấn mạnh Việt Nam là nước đang phát triển, là nền kinh tế đang chuyển đổi, độ mở kinh tế lớn nên khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, mong các tổ chức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai, thích ứng với các lĩnh vực mới, đặc biệt là vấn đề như thuế tối thiểu toàn cầu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số…
Nhật Bản dành ODA thế hệ mới cho Việt Nam
Năm 2023 là năm Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang vào “độ chín”. Trong chuyến công tác này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 13 cuộc làm việc với phía Nhật Bản, trong đó có hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, dự các hội nghị, tọa đàm và tiếp nhiều đối tác Nhật Bản như các nghị sĩ Quốc hội, quan chức tỉnh Hiroshima, hội hữu nghị, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản.
Tại hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng phát triển, đồng thời thúc đẩy các nội dung hợp tác trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA thế hệ mới, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng...; tăng cường phối hợp, chia sẻ lập trường, hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Hai bên đạt một số kết quả thực chất trong lĩnh vực hợp tác viện trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư với việc ký kết 3 văn kiện hợp tác ODA trị giá 61 tỷ yen cho các dự án Chương trình ODA thế hệ mới. Đặc biệt, lãnh đạo hai nước cũng nhất trí thúc đẩy khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết các khoản vay ODA thế hệ mới này chỉ làm thủ tục trong vòng 1 năm là giải ngân được và khoản vay được đưa vào ngân sách. Đây là một trường hợp hết sức đặc biệt của Chính phủ Nhật Bản đối với Việt Nam, thể hiện tầm quan trọng, bền vững, lâu dài và thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, không những trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng mà cả về đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy một thời kỳ mới đã mở ra trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp nhiều doanh nghiệp Nhật Bản để thúc đẩy các dự án tại Việt Nam. Trong đó, với Tập đoàn AEON, Thủ tướng đề nghị AEON đầu tư thêm các trung tâm thương mại, Outlet tại Việt Nam; nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa của Việt Nam để phân phối tại Nhật Bản và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, tại các cuộc gặp, Thủ tướng cùng phía bạn thảo luận, cam kết tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy các dự án như: dự án đầu tư tại Việt Nam như tại dự án khai thác khí Lô B - Ô Môn của Việt Nam của Tập đoàn Mitsui, dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn…
Dù có lịch trình công tác dày đặc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vẫn dành thời gian để gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để chia sẻ tâm tư, tình cảm; đồng thời ghi nhận, giải quyết các đề xuất, kiến nghị chính đáng của bà con. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là động lực phát triển của đất nước. Đảng, Nhà nước có trách nhiệm chăm lo cho kiều bào và mong muốn cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng có trách nhiệm cống hiến cho đất nước; mong muốn bà con thương yêu, đùm bọc lẫn nhau như câu ca dao của ông cha ta “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Chuyến công tác Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công trên mọi phương diện; truyền tải thông điệp về Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế; bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chính đáng của đất nước; triến khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”; Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030.