Hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 2/11, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi).

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: An Đăng/TTXVN

Bổ sung 2 mặt hàng vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá

Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày đã nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật Giá (sửa đổi) và bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó, việc xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 9 năm thi hành Luật, nhất là sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá. Đồng thời, việc xây dựng dự án Luật sẽ đáp ứng các yêu cầu về tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều. So với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương, gồm: Chương III về nội dung quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước; Chương V về công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và Chương VII về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gồm: Sách giáo khoa và hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Trong đó, sách giáo khoa là mặt hàng có thị trường cạnh tranh hạn chế, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thống nhất, yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Việc định giá mặt hàng này sẽ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo định giá tối đa, các nhà xuất bản quyết định giá cụ thể.

Về hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, mặt hàng này do Bộ Quốc phòng đề nghị bổ sung vào Danh mục vì thuộc trường hợp Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Luật Thương mại và Nghị định 94/2017/NĐ-CP, phù hợp với các tiêu chí tại Luật. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng, việc bổ sung là rất cần thiết để triển khai nhiệm vụ trong thực tiễn.

Riêng đối với dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, trên cơ sở chủ trương của Quốc hội, Chính phủ sẽ khẩn trương nghiên cứu, đánh giá kĩ để có Đề án riêng trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện. Do đó, trước mắt chưa đưa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Liên quan đến chính sách về bình ổn giá, Bộ trưởng Tài chính chỉ rõ, tại Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết (Điều 19) để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện; đồng thời tại Điều 20 đã cụ thể hóa dấu hiệu để nhận diện các trường hợp áp dụng bình ổn giá; quy định cơ chế để xử lý tình huống hàng hóa, dịch vụ cần bình ổn nhưng chưa có trong danh mục để áp dụng trong các trường hợp công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai.

Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách. Trong đó, điều chỉnh gộp biện pháp đăng ký giá vào nội hàm biện pháp kê khai giá; điều chỉnh đưa biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá để quy định một điều riêng, trở thành một khâu trong quy trình bình ổn giá; đưa biện pháp lập quỹ bình ổn giá trong nhóm biện pháp bình ổn giá có thời hạn để quy định một điều riêng (Điều 22).

Chính phủ cũng thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.

Điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu linh hoạt, hiệu quả

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết: Ủy ban nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.  

Dự thảo Luật đã bổ sung 1 chương để quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đối với việc thay đổi thẩm quyền so với Luật hiện hành cần được đánh giá kỹ tác động, đặc biệt cần làm rõ lý do, cơ sở lý luận, thực tiễn, tính tích cực và cả mặt tiêu cực của phương án thay đổi. Bên cạnh đó, việc phân cấp phải đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, tính thống nhất với các luật như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật có liên quan; phải đúng chức năng, thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, HĐND và UBND cấp tỉnh.  

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: An Đăng/TTXVN

Về bình ổn giá, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận định, việc Nhà nước có biện pháp bình ổn giá khi thị trường có biến động bất thường đối với một số mặt hàng thiết yếu là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm tránh các tác động tiêu cực đến đời sống người dân, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, đề nghị việc áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm: Bình ổn trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung - cầu; điều hòa sản xuất trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu; tổ chức lưu thông hàng hóa; áp dụng các giải pháp về tài chính, tiền tệ linh hoạt. Đối với một số mặt hàng cần có khung giá phù hợp; kiểm soát tốt biến động giá, từ đó kiềm chế lạm phát; hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường; hạn chế áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá thông qua trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để bù giá, bù lỗ.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ này vì cho rằng đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì tại một số thời điểm, Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, giảm biên độ biến động giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, đa số ý kiến cũng đề nghị cần đổi mới theo hướng: Việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, tiến tới phải vận hành theo thị trường. Việc điều hành Quỹ đòi hỏi linh hoạt, hiệu quả, kịp thời hơn nữa. Ngoài ra, trong tổ chức thực hiện, cần tăng cường trách nhiệm quản lý; đề cao tính công khai, minh bạch trước người dân; có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế. 

Trong khi đó, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ này. Bởi, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý, quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành; người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về việc sử dụng Quỹ. Việc lập quỹ bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại hàng hóa có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa...

Đối với giá sách giáo khoa, cơ quan thẩm tra đánh giá, đây là mặt hàng thiết yếu và giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng; tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí như dự thảo Luật, theo đó Nhà nước quy định giá bán tối đa (giá trần); không ấn định giá, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm lợi ích của người dân; đồng thời đề nghị tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện, bảo đảm tuyệt đối không để thông đồng giá.

Phan Phương (TTXVN)
Cần bổ sung quy định về chính sách phát triển giao dịch điện tử
Cần bổ sung quy định về chính sách phát triển giao dịch điện tử

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sáng 2/11, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN