Bức tranh Hà Nội sau 5 năm mở rộng - Bài 2

Hoàn thiện quy hoạch để Thủ đô phát triển

Để Thủ đô phát triển văn minh, hiện đại, đồng thời bảo tồn được những nét truyền thống của thành phố hơn nghìn năm tuổi, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06 về "Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị thành phố Hà Nội, giai đoạn 2011 - 2015".


Quy hoạch “đi trước một bước”


Sau khi mở rộng địa giới hành chính, với sự nỗ lực của thành phố và bộ, ngành liên quan, tháng 7/2011, “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây chính là quy hoạch "bản lề" chi phối mọi quy hoạch của Hà Nội.


Quốc lộ 32 qua huyện Ba Vì đã hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

 

Với chủ trương: Quy hoạch luôn “đi trước một bước”, lãnh đạo Hà Nội đã tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều chương trình, nhằm hoàn thành quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch chuyên ngành, các đề án. Năm 2012 thậm chí còn được lãnh đạo Hà Nội chọn là "Năm quy hoạch" để dồn toàn lực cho công tác này. Và trong năm 2013, Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ các quy hoạch chung đô thị vệ tinh: Sóc Sơn, Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên; các thị trấn sinh thái: Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn; 14 quy hoạch chung xây dựng các huyện và 10 thị trấn, thị xã để hoàn thành việc phê duyệt trong năm. Bên cạnh đó, Sở cũng hoàn chỉnh các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, công trình cao tầng, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa không gian truyền thống, phố cổ, làng cổ, thành cổ đặc trưng của Thủ đô, kết hợp cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường; hoàn thành thiết kế đô thị các không gian kiến trúc đô thị đặc trưng tiêu biểu, để tạo dựng hình ảnh cho Hà Nội.


Đến thời điểm này, Hà Nội cũng đã hoàn thành xong quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại 401 xã thuộc 19 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Một số quy hoạch mang tính chiến lược đến năm 2020, định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như quy hoạch cấp nước, thoát nước của thành phố. Các đồ án như quy hoạch xử lý chất thải rắn, quy hoạch nghĩa trang Thủ đô đã được HĐND thông qua Nghị quyết triển khai.
Chưa đầy 2 năm, với điều kiện phạm vi quy mô lập quy hoạch gấp hơn 3 lần giai đoạn trước khi mở rộng địa giới hành chính, việc hoàn thành một số quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chính là cơ sở để Hà Nội thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.


Giám sát thực hiện quy hoạch


Đối với Hà Nội, cần sớm lập quy hoạch chi tiết và giám sát, thực hiện nghiêm túc quy hoạch. Có như vậy mới xây dựng được Thủ đô văn minh hiện đại.

Ông Phạm Lợi, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Hà Nội

Có thể khẳng định, công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, năng lực của hệ thống quản lý quy hoạch các cấp còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. “Nhất là lực lượng cán bộ làm công tác quy hoạch tại các địa phương còn mỏng, yếu và thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững nội dung, phương pháp thực hiện quy hoạch, đặc biệt là đối với các đồ án quy hoạch nông thôn mới, nên phải chỉnh sửa nhiều lần”, lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết.


Một vấn đề khác cũng có ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị là hệ thống văn bản pháp lý hiện nay chưa đồng bộ; nhiều bộ luật liên quan đến quy hoạch xây dựng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung (như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu...); cơ chế, chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực thường xuyên có sự thay đổi, điều chỉnh. Việc xin ý kiến Bộ Xây dựng đối với hầu hết các đồ án quy hoạch của thành phố trước khi phê duyệt còn mất nhiều thời gian. Để tháo gỡ khó khăn và giải quyết những bất cập nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Thế Thảo, yêu cầu: Cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, đồng thời ban hành đồng bộ quy chế quản lý và hướng dẫn tổ chức thực hiện quy hoạch. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện phối hợp tốt trong việc lấy ý kiến nhân dân, chính quyền cơ sở về các đồ án quy hoạch, bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch xây dựng với quy hoạch chuyên ngành; Tập trung rà soát các quy hoạch không khả thi, chậm thực hiện theo đúng quy định của luật, kịp thời điều chỉnh bảo đảm quyền lợi chính đáng người dân. Kiên quyết thu hồi đất đối với những chủ đầu tư chậm thực hiện dự án theo quy hoạch, vi phạm Luật Đất đai...

 

Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội: Tồn tại lớn nhất hiện nay là việc cụ thể hóa quy hoạch còn chậm. Bên cạnh đó, việc quy hoạch thường được điều chỉnh cục bộ, có những quy hoạch đã được phê duyệt, xây dựng một phần nhưng vẫn điều chỉnh, nên thường diễn ra hiện tượng xây xong rồi lại sửa. Mặt khác, theo quy hoạch, lẽ ra cần giảm dân số tại vành đai 1 (tập trung 4 quậ nội thành) nhưng đến nay vẫn chưa giảm được.


Xuân Minh - Diệu Hoa

Bức tranh Hà Nội sau 5 năm mở rộng
Bức tranh Hà Nội sau 5 năm mở rộng

Sau 5 năm thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, trên từng lĩnh vực, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn nhiều chương trình, chủ trương vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN